Kể từ đầu năm đến nay, cả thị trường chứng khoán trong nước và thế giới ngày càng phải đối mặt với nhiều sự kiện bất ngờ và mang tính không chắc chắn, điển hình là dịch Covid-19. Với triển vọng kinh tế không chắc chắn, các nhà hoạch định chính sách tỏ ra bối rối, nhà kinh tế không thể dự đoán được, nhà đầu tư càng khó dự báo triển vọng kinh tế cũng như thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán được định nghĩa là "phong vũ biểu" của nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp luôn song hành với nhau. Tuy nhiên, 2020 là một năm kỳ lạ khi kinh tế đi xuống, còn thị trường chứng khoán lại đi lên.
Vn-Index ngược dòng
Tính đến phiên giao dịch ngày 29/10, chỉ số Vn-Index đang ở mức hơn 925 điểm, tuy vẫn cách đỉnh đầu năm vài chục điểm và đỉnh lịch sử (tháng 4/2018) gần 300 điểm, nhưng đã tăng hơn 40% kể từ đáy tháng 3 bất chấp diễn biến dịch Covid-19 tại các quốc gia đối tác thương mại vẫn khá phức tạp.
Đầu tư là một quá trình lặp đi lặp lại, không phải là cuộc chơi mà chỉ cần đúng một lần là sẽ có tất cả. |
Thị trường 9 tháng đầu năm có thể chia thành 2 giai đoạn. Nếu 3 tháng đầu năm, Vn-Index điều chỉnh về mốc đáy 650 - 660 điểm thì kể từ tháng 4 đến nay, thị trường tăng điểm là chủ yếu và chạm vùng 920 - 925 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đã cải thiện rất tốt so với cùng kỳ năm 2019.
Nhiều nhóm cổ phiếu như hoá chất tài nguyên cơ bản, xây dựng và vật liệu có diễn biến tăng giá mạnh, hoặc nhiều mã cổ phiếu thậm chí là vượt đỉnh mới sau nhiều tháng điều chỉnh tích luỹ. Dòng tiền khối nội tăng mạnh trong khi khối ngoại bán ròng từ tháng 2.
Theo Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), lũy kế 9 tháng, các nhà đầu tư trong nước đã mở mới gần 253.000 tài khoản, nhiều hơn tới 64.000 tài khoản so với cả năm 2019.
Dòng tiền từ lớp nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) là một phần nguyên nhân giúp thị trường chứng khoán sôi động, những phiên giao dịch có thanh khoản 6.000 - 7.000 tỷ đồng đã không còn hiếm hoi như năm 2019. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với những dự báo trước đó.
Cụ thể, sau quý I lao dốc, nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh đen tối kéo dài cho thị trường chứng khoán trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhưng quý II đã ngược dòng ngoạn mục khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư tiếc nuối bởi không kịp "lên tàu".
Tiếp đó, khi quý II thăng hoa đi qua, những dự báo quý III sẽ điều chỉnh do thị trường đã tăng quá mạnh lần lượt được đưa ra. Thế nhưng, một lần nữa thực tế lại đi ngược những phán đoán trước đó khi thị trường tiếp tục đi lên bất chấp làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 quay trở lại trong nước.
Trong giai đoạn này, số nhà đầu tư "lỡ tàu" không còn nhiều, nhưng lãi lớn thì khó tìm kiếm. Bởi thực tế như đã nói ở trên, thị trường thăng hoa nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư F0 - không kinh nghiệm, không am hiểu thị trường, không người dẫn dắt, sẽ trở nên e dè hơn trước những dự báo rủi ro.
Đầu tư là một quá trình
Không thể phủ nhận rằng một xu hướng đi lên của thị trường sẽ có tác động tích cực hơn đến xu hướng của mỗi cổ phiếu. Và ngược lại, trong một xu hướng đi xuống của thị trường thì xu hướng của mỗi cổ phiếu cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, đó là những giai đoạn thị trường biến động đủ mạnh, còn lại trong hầu hết thời gian, mỗi cổ phiếu sẽ một câu chuyện và cách vận động riêng. Mỗi nhà đầu tư chứng khoán cần có hiểu biết về giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và sẵn sàng tâm thế cho những điều xấu nhất có thể xảy ra.
"Phù thuỷ chứng khoán" William O’Neil từng nói “Ngồi nghe vô số các cây bút tin tức thị trường, các nhà phân tích kỹ thuật, các nhà chiến lược qua các chỉ báo phân tích kỹ thuật hoặc kinh tế rồi sau đó nói cho bạn biết họ nghĩ thị trường sẽ vận hành như thế nào, nhìn chung là một công việc lãng phí thời gian”.
Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Giám đốc đầu tư của Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cho rằng, nguyên tắc đầu tư có lãi là mua rẻ, bán đắt. Do đó, thay vì nghe ngóng thị trường sẽ tăng hay giảm trong tương lai, nhà đầu tư nên quan tâm đến việc khả năng tạo ra dòng tiền của công ty đó trong tương lai, hoặc ít nhất là cần biết giá cổ phiếu rẻ hay đắt so với tài sản ròng, lợi nhuận, cổ tức... của công ty.
Đối với những nhà đầu tư có chiến lược đầu cơ "lướt sóng" thì việc dự đoán đúng thị trường trong ngắn hạn là rất ít người có thể làm được, bởi giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào cung cầu của thị trường.
"Cũng có thể có một số người giàu lên phút chốc nhờ may mắn mua hoặc bán đúng thời điểm một vài lần, nhưng điều đó giống như tham gia vào các canh bạc may rủi. Bạn có thể thắng trong lần mua bán này, nhưng cũng có thể mất rất nhiều vào lần khác, đặc biệt khi bạn không biết đang mua bán cái gì, đáng giá giá trị bao nhiêu", bà Nga nhận định.
Dưới góc nhìn của giới đầu tư, anh N.H - một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm cho biết, đầu tư là một quá trình lặp đi lặp lại, và không phải là cuộc chơi mà chỉ cần đúng một lần là sẽ có tất cả.
Do vậy, để giảm thiểu được rủi ro, nhà đầu tư cần có những chiến lược riêng cho mình, tập trung vào giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, tuân thủ quy luật giao dịch, chứ không chỉ trông chờ vào những dự đoán của bản thân, hoặc từ các báo cáo phân tích.
Minh Khuê