Chưa có một con số thống kê chính xác đã có bao nhiêu dự án thực hiện theo hình thức BT, tuy nhiên theo một báo cáo kiểm toán, có tới 90% các dự án BT là do chỉ định thầu. Đây là một "góc khuất" sinh ra những tiêu cực mà đến nay các cơ quan quản lý nhà nước đang phải xử lý hậu quả của nó.
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước năm 2018 cho thấy đơn vị này đã kiến nghị thu hồi 4.515 tỷ đồng qua các dự án BT xảy ra sai phạm. Đáng chú ý, có tới 90% các dự án BT là chỉ định thầu, khiến cho ngay chính các đại biểu Quốc hội cũng lo ngại dự án BT có thể biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Nhiều hệ lụy từ dự án BT
Điều lo ngại đó đã diễn ra, qua hàng loạt các dự án đất đai tại Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội… thất thoát dẫn đến rất nhiều hệ lụy, mà trong đó chủ yếu là tính thiếu minh bạch, Nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Gs.Ts. Trần Trọng Hanh - nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc, đã cho rằng hiện nay, trên thế giới, không nước nào còn sử dụng hình thức "cổ lỗ sĩ" là đổi đất lấy hạ tầng không thông qua đấu giá. Theo ông Hanh, đất phải đấu giá, công trình phải đấu thầu thì mới minh bạch.
Một số chuyên gia cho rằng theo cơ chế thị trường, dự án hạ tầng phải qua đấu thầu để chọn nhà thầu nào đưa ra giá thích hợp nhất, còn đất đai phải qua đấu giá thì mới chọn được người trả giá cao nhất.
Chính tình trạng kém minh bạch như thế rất dễ bị các nhóm lợi ích lợi dụng không chỉ về mặt giá cả, mà còn để vừa có đất cho dự án phát triển bất động sản của họ lại vừa có hạ tầng bên ngoài kết nối với dự án đó. Các chuyên gia này đưa ra dẫn chứng là khu đô thị EcoPark đã được trả 500 ha đất để đổi lấy con đường dẫn đến chính khu đô thị này.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ TN&MT, ông Đào Trung Chính - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, đã cho rằng quan trọng là vấn đề định giá, lựa chọn nhà đầu tư công khai minh bạch thì sẽ khắc phục được khó khăn hiện tại.
"Quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ giải pháp dùng quỹ đất để thanh toán lấy hạ tầng trong điều kiện chúng ta đang thiếu vốn", ông Đào Trung Chính nói.
Cũng tại buổi họp báo này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng nhiều dự án công trình đã giúp các địa phương thoát ra khỏi giai đoạn hạ tầng thiếu thốn. Chủ trương đó, thực tiễn đã chứng minh là đúng nhưng phải tính toán để đừng bị lợi dụng, không minh bạch.
Nhiều công trình đã giúp các địa phương thoát ra khỏi giai đoạn hạ tầng thiếu thốn |
Hai phương án cho hình thức BT
Trước quan điểm của lãnh đạo Tổng cục Đất đai cũng như lãnh đạo Bộ TN&MT, để làm rõ các quy định liên quan đến dự án BT trong Luật Đất đai đang được sửa đổi, vấn đề này đã được nhắc lại tại cuộc họp báo quý I/2019 của Bộ TN&MT.
Trả lời báo chí, ông Mai Văn Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, cho biết từ năm 2018 đến nay, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục Đất đai bàn các phương án.
Hiện có hai nhóm ý kiến đưa ra. Thứ nhất là phân định rạch ròi giữa công trình ra công trình, đất là đất, tổ chức đấu thầu công trình, sau đó tổ chức đấu giá đất lấy quỹ tiền để trả cho công trình đó. Đây cũng chính là phương án được nhiều chuyên gia quy hoạch, bất động sản ủng hộ.
Thứ hai, đấu thầu quyền sử dụng đất của dự án có sử dụng đất. Trong gói thầu này phân định làm hai, một là đấu thầu giá công trình, hai là giá quyền sử dụng đất. Trên cơ sở đó tính toán bài thầu, lợi nhuận cái nào cao nhất thì sẽ được chọn thầu, áp dụng theo Luật Đấu thầu và Nghị định 30.
"Liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ TN&MT tập trung nghiên cứu. Trước đây có rất nhiều luồng ý kiến nhưng nay chỉ còn tập trung vào hai nhóm chính, trong thời gian tới, trong chương trình sửa Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn, chúng tôi tiếp tục xin ý kiến của các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp, trên cơ sở đó làm sao đưa ra phương án tối ưu để khi đưa ra áp dụng", ông Phấn khẳng định.
Hai phương án đó đang được đệ trình, nhưng trước đó đã có rất nhiều dự án được thực hiện theo hình thức BT không minh bạch, không qua đấu giá, dẫn đến hàng loạt hệ lụy: Người dân được đền bù với giá rẻ mạt, Nhà nước thất thu ngân sách; cái lợi thuộc về một nhóm người.
Hồi tháng 8/2018, nhiều dự án BT đã nảy sinh vấn đề, gây thất thoát cho tài sản, đất đai của Nhà nước, trong khi chưa sửa Luật Đất đai, Bộ Tài chính đã yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018, tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Như vậy, có thể thấy quan điểm "đất thì phải đấu giá, công trình thì phải đấu thầu" đã được khẳng định là đúng đắn, chỉ có điều nó sẽ được thể hiện như thế nào trong việc sửa Luật Đất đai lần này thì vẫn còn phải chờ.
Minh Sơn