Với sứ mệnh “đi trước, mở đường”, thời gian qua, hệ thống Tuyên giáo Thủ đô luôn tiên phong trong tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Công nghệ mang lại hiệu quả tích cực
Điển hình cho việc ứng dụng công nghệ, tiên phong trong chuyển đổi số tại Thủ đô có thể kể đến việc sử dụng đường truyền trực tuyến tại Huyện ủy Đông Anh. Tại đơn vị này, đường truyền trực tuyến được sử dụng trong việc quán triệt phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục truyền thống lịch sử, số hóa sách lịch sử Đảng bộ các xã, thị trấn và các ngành. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Huyện ủy cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong định hướng nắm bắt dư luận xã hội.
![]() |
Ngành tuyên giáo Thủ đô đang tiên phong trong chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ (Ảnh minh họa). |
Theo ông Phạm Trọng La, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Anh, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tuyên giáo đã mang lại hiệu quả tích cực. Các văn bản chỉ đạo, định hướng được nhanh chóng hơn, thông tin 2 chiều kịp thời, lan tỏa rộng hơn và điểm nổi bật là tạo sự năng động, sáng tạo trong công việc của cán bộ tuyên giáo.
Tại Hà Đông, Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy Nguyễn Thị Tâm cũng chia sẻ: “Thực hiện nhiệm vụ của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch (Ban Chỉ đạo 35) quận, Ban Tuyên giáo Quận ủy Hà Đông đã phát triển hơn 320 trang tương tác (fanpage) trên Facebook… để chia sẻ thông tin tích cực, tham gia định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái. Đặc biệt, trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã sử dụng mạng xã hội phục vụ tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của quận, thông tin đến nhân dân kịp thời, chính xác”.
Tại Quận ủy Ba Đình cũng đã triển khai mô hình quán triệt, học tập nghị quyết và hội họp bằng hình thức trực tuyến bên cạnh hình thức trực tiếp. Theo đại diện Quận ủy Ba Đình, mạng xã hội với hệ thống nhóm Zalo từ quận đến cơ sở, trong mỗi cơ quan, đơn vị, chi bộ địa bàn dân cư… đã trở thành cánh tay nối dài tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của quận.
Nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội bà Đinh Thị Lan Duyên nhấn mạnh, chuyển đổi số trong ngành Tuyên giáo là công việc khó, chưa có nhiều mô hình để nghiên cứu, học tập nhưng không thể chậm trễ. Trên cơ sở đánh giá thực trạng đội ngũ, năng lực thiết bị, xác định mục tiêu “hệ sinh thái số” cần hướng đến, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chủ động xây dựng lộ trình thực hiện chuyển đổi số với các mục tiêu và giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, quá trình chuyển đổi số trong hệ thống Tuyên giáo Thủ đô từ thành phố tới cơ sở còn khó khăn, trở ngại nhất định. Đó là trình độ đội ngũ cán bộ, khả năng tiếp cận chuyển đổi số của cán bộ, người dân, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đầu tư, phát triển đội ngũ cán bộ kỹ thuật chưa tương xứng với quy mô đầu tư cho hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị công nghệ thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, đôi chỗ còn lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên giáo tại cơ sở là cần thiết, mô hình này cần tiếp tục nghiên cứu ứng dụng và triển khai đồng bộ hệ thống thông tin Tuyên giáo Thủ đô trên nền tảng số.
Điển hình như các phần mềm điểm báo, điểm báo theo chuyên đề, phần mềm điều tra dư luận xã hội, sổ tay đảng viên điện tử. Đồng thời, số hóa tài liệu lưu trữ, dữ liệu lịch sử của Đảng bộ thành phố và các quận, huyện để phục vụ việc nghiên cứu, tra cứu, tuyên truyền, giáo dục lịch sử địa phương…
Theo Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Quang Tự Do, ai cũng nói đến chuyển đổi số nhưng nhiều nơi, nhiều đơn vị còn mơ hồ. Vì thế, cần làm sao để tích hợp được dữ liệu và công nghệ số phục vụ người dân tốt hơn, trong đó có hoạt động của hệ thống Tuyên giáo Thủ đô.
Để thực hiện tốt chuyển đổi số trong hệ thống Tuyên giáo Thủ đô Hà Nội thời gian tới, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai nhấn mạnh, các cấp ủy, chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho ngành Tuyên giáo các cấp về chủ trương, cơ chế để tiếp tục triển khai và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số. Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu, yêu cầu của “công dân số” trong ngành Tuyên giáo để điều chỉnh, bổ sung kế hoạch chuyển đổi số của ngành với lộ trình và giải pháp phù hợp. Đặc biệt là định hình “hệ sinh thái số” trong ngành Tuyên giáo dựa trên 3 trụ cột: Trang bị kỹ năng số, phương tiện số và văn hóa số; chuyển hầu hết các hoạt động chuyên môn lên không gian số.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên lĩnh vực giáo dục, đào tạo, thành phố tiếp tục duy trì, thực hiện tuyển sinh đầu cấp trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 với tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến của cả 3 cấp (năm 2021 đạt trên 89%). Hệ thống sổ liên lạc điện tử cung cấp đầy đủ, miễn phí thông báo điểm học tập và rèn luyện của học sinh qua ứng dụng điện thoại thông minh, được áp dụng trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Thành phố cũng tiếp tục ứng dụng, hệ thống thu phí điều tiết, hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân. Giám sát hoạt động của hệ thống xe buýt trên địa bàn thành phố bằng thiết bị GPS và ứng dụng công nghệ RFID trong quản lý, điều hành, thông tin hành khách bằng hệ thống âm thanh, bảng LED trên xe và một số nhà chờ… |
Đông Hòa