Cầu Khe Thần xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) khởi công xây dựng tháng 4/2015 với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng trong thời gian 24 tháng. Sau gần 40 tháng xây dựng, công trình mới thi công xong 2 trụ cầu rồi nằm “đắp chiếu”… chờ vốn. Đó là một trong số nhiều dự án có tổng mức đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng thi công ì ạch, rùa bò.
Lãng phí lớn
Tổng hợp từ Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Tân Kỳ cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện còn 4 dự án xây dựng lớn đang thi công dở dang từ nhiều năm nay. Đó là dự án đường Nghĩa Hành - Phú Sơn; dự án cầu Khe Thần, xã Tiên Kỳ; dự án đường Lạt - Nghĩa Hợp và dự án Khuôn viên tượng đài hậu phương hướng về tiền tuyến.
Nguyên nhân các dự án này chậm tiến độ là do thiếu vốn. Đến nay, dự án đường Nghĩa Hành - Phú Sơn đã được bố trí nguồn vốn 100/162 tỷ đồng. Dự án cầu Khe Thần nguồn vốn đã bố trí được 16/42 tỷ đồng. Dự án đường Lạt - Nghĩa Dũng đã được bố trí vốn 17/49 tỷ đồng và dự án Khuôn viên Tượng đài hậu phương hướng về tiền tuyến đã được bố trí vốn 33/62 tỷ đồng.
Rất nhiều huyện khác cũng đang trong tình trạng tương tự khi có nhiều dự án “ngốn” hàng chục tỷ đồng mà đang dở dang, nằm phơi mưa phơi nắng. Tại huyện ven biển Diễn Châu cũng đang có nhiều dự án ì ạch, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong dang dở nhiều hạng mục |
Qua thống kê sơ bộ, toàn huyện đang có các dự án lớn chậm tiến độ, như: sửa chữa, nâng cấp tuyến đê cửa sông Diễn Kim, Diễn Vạn, Diễn Kỷ, kè chống sạt lở bờ sông Diễn Vạn và đường cứu hộ huyện Diễn Châu; cải tạo, nâng cấp tuyến kênh Nhà Lê (giai đoạn 1); nạo vét, tái tạo sông Bùng, lạch Vạn các xã Diễn Hoa, Diễn Kỷ, Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, huyện Diễn Châu.
Điệp khúc thiếu vốn cũng đang khiến nhiều dự án lớn tại các huyện Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Yên Thành… dở dang. Dự án Bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong được UBND tỉnh phê duyệt với tổng mức đầu tư hơn 56 tỷ đồng.
Đến nay, dự án mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường đê ngăn nội bộ và các hố chôn lấp với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng. Trong khi đó số vốn hiện tại được cấp cho dự án là 14.200 triệu đồng. Do chưa được bố trí thêm vốn nên dự án đã tạm dừng thi công từ năm 2015.
Tương tự, trường Phổ thông DTNT - THCS huyện Quế Phong khởi công năm 2012, tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng, đến năm 2017 được điều chỉnh mức đầu tư hơn 58 tỷ đồng. Sau 6 năm thi công, công trình vẫn chưa thể hoàn thành… làm ảnh hưởng lớn đến việc dạy và học của nhà trường.
Cầu Khe Thần xã Tiên Kỳ thi công dang dở nhiều năm do thiếu vốn |
Ai chịu trách nhiệm?
Trên cơ sở tổng hợp số liệu báo cáo của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các chủ đầu tư, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản từ 31/12/2014 trở về trước của các dự án trong kế hoạch đầu tư tập trung trên địa bàn tỉnh là 1.817,16 tỷ đồng, số nợ đọng nguồn ngân sách nhà nước đến 31/12/2014 là 1.510,6 tỷ đồng.
Trong đó, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách Trung ương là 515,38 tỷ đồng, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách tỉnh nguồn bố trí kế hoạch tập trung là 877,08 tỷ đồng, phần nợ thuộc trách nhiệm ngân sách huyện, xã, nguồn khác là 118,15 tỷ đồng.
Thông tin từ sở KH&ĐT Nghệ An cho biết, giai đoạn 2015 - 2018, Ngân sách Trung ương đã trả nợ được 412 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đã trả được 728 tỷ đồng, nợ xây dựng cơ bản còn lại đến tháng 6/2018 là 345 tỷ đồng. Lãnh đạo sở KH&ĐT cũng cho biết: Dự kiến trả nợ năm 2019 - 2020 là 191 tỷ đồng.
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, giai đoạn 2016 - 2018, do triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, nguồn vốn ngân sách cấp trên hỗ trợ giảm dần, Chính phủ thắt chặt đầu tư công.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính nợ xây dựng cơ bản tăng là do tăng trưởng nóng từ Trung ương đến địa phương, sự phê duyệt các công trình dự án tràn lan để “xin vốn” sau đó không “xin” được thì bị ách tắc.
Mặt khác, nhiều dự án được phê duyệt trước khi Luật Đầu tư công ra đời (1/1/2015) nhưng đơn vị cho chủ trương đầu tư không phân định rõ nguồn vốn, không thẩm định rõ nguồn vốn, ban hành chủ trương đầu tư dễ dãi dẫn tới không xác định được ai trả nợ.
Chúng tôi đã đặt câu hỏi với một số địa phương có dự án dở dang: Phải chăng là do đầu tư thi công dàn trải, do năng lực thẩm định đầu tư của ngành chức năng yếu kém.
Vậy, trách nhiệm để xảy ra thực trạng hàng loạt dự án lớn với tổng mức phê duyệt đầu tư hàng chục tỷ đồng đang dở dang là của ai, sẽ bị xử lý như thế nào? Chúng tôi đã đi tìm câu hỏi ấy từ những nơi có trách nhiệm nhưng không tìm được câu trả lời thỏa đáng.
Thanh Nguyễn