Theo số liệu từ Ban chỉ đạo kinh tế tập thể tỉnh Nghệ An, tính đến 30/6/2018, toàn tỉnh có 2.906 Tổ hợp tác (THT), 650 HTX và 57 quỹ TDND. Trong đó, số thành viên làm việc trong các THT là trên 36.000 người, trong các HTX là 265.732 người và hơn 52.000 lao động làm việc thường xuyên.
Kinh tế hợp tác có nhiều khởi sắc
Đến thời điểm hiện tại, đã có 339 HTX trong tổng số 650 HTX thực hiện chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và đang hoạt động hiệu quả. Nhiều HTX đã mở rộng thêm các ngành nghề như dịch vụ môi trường, tín dụng nội bộ, sản xuất nông sản.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện các mô hình HTX kiểu mới, đã thực hiện liên kết với DN và nông dân trong chuỗi giá trị sản xuất mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, như HTX Sản xuất lúa giống Văn Sơn (huyện Đô Lương), HTX Dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Lâm (huyện Quỳnh Lưu), HTX Đồng Văn (huyện Quế Phong) HTX Phú Hậu (huyện Diễn Châu)…
Các HTX phi nông nghiệp hoạt động năng động với nhiều hình thức sản xuất kinh doanh dịch vụ đa dạng. Đã xuất hiện thêm một số mô hình mới có hiệu quả cả về mặt kinh tế và xã hội, như: HTX chuyên về môi trường, HTX chợ, HTX làng nghề, HTX dịch vụ thương mại, HTX dịch vụ tổng hợp.
Các HTX phi nông nghiệp hoạt động kinh doanh ổn định mang lại nhiều lợi ích cho thành viên, tạo thêm nhiều việc làm, thu nhập cho người lao động, điển hình như HTX Sản xuất - Dịch vụ Sông Lam (thị xã Cửa Lò), HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên (huyện Nghi Lộc), HTX Lam Sơn Đại Thành (huyện Nam Đàn)…
Toàn tỉnh có 57 quỹ TDND tại 57 xã của 15 huyện, thành thị, thu hút 83.162 thành viên tham gia, tổng nguồn vốn hoạt động 4.859 tỷ đồng, trong đó vốn huy động 4.112,5 tỷ động (chiếm 84,64%). Các quỹ đã đáp ứng nhu cầu gửi tiền và cho các thành viên vay để phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến thời điểm hiện tại, 57/57 quỹ đều có chênh lệch thu nhập cao hơn chi phí.
Bên cạnh những thành công ban đầu đã đạt được, KTHT Nghệ An hiện vẫn còn những nút thắt cần được tháo gỡ, như nhiều HTX nông nghiệp vẫn chưa chủ động liên doanh, liên kết; không thu hút được lao động có tay nghề, trình độ vào làm việc trong HTX; năng lực cạnh tranh một số làng nghề yếu; nhiều HTX vẫn chưa chuyển đổi sang hoạt động theo Luật HTX 2012...
HTX Đóng tàu thuyền Trung Kiên - một trong những mô hình kinh tế điểm của KTHT Nghệ An |
Xây chính sách tạo bước phát triển
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Lê Phúc Ân - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Nghệ An, cho biết với cương vị là đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo KTTT tỉnh, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện Nghị quyết đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XVIII; Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ V, Liên minh HTX tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, xây dựng các chương trình, đề án để thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ phát KTHT và làng nghề.
Liên minh HTX tỉnh xác định rõ nhiệm vụ chính trị trọng tâm, từ đó xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, các đề án cụ thể có tính dài hạn, đột phá trong việc thúc đẩy HTX, làng nghề đổi mới tiến tới hội nhập. Kiên quyết giải thể các HTX yếu kém, hoạt động cầm chừng, tập trung đổi mới xây dựng các HTX hoạt động hiệu quả, hình thành mô hình HTX kiểu mới để nhân rộng. Chú trọng xây dựng các HTX nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, liên doanh liên kết bao tiêu sản phẩm từ đó tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thành viên vùng nông thôn, miền núi.
Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa các HTX với DN. Tạo điều kiện để các HTX chủ động mở rộng sản xuất kinh doanh, chủ động trong khai thác các dịch vụ đầu vào có chất lượng, giá thành thấp để phục vụ thành viên, người lao động và tìm kiếm thị trường tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm trong các HTX.
Với những tiềm năng thế mạnh sẵn có và sự vào cuộc quyết liệt từ các ban ngành, cơ quan chức năng, đặc biệt là vai trò chính của Liên minh HTX tỉnh sẽ là điểm tựa vững chắc cho khu vực KTHT ở Nghệ An phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Nguyễn Hiếu