Không riêng gì Nghệ An mà trên phạm vi cả nước, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất giữa HTX với DN bị "đổ bể" khiến cả hai bên cùng khổ. Câu chuyện "thiệt đơn thiệt kép" trong liên kết sản xuất luôn được nói nhiều nhất mỗi khi có một thương vụ liên kết không thành.
Bắt tay chặt với DN tiềm năng
Những năm qua, huyện Yên Thành đã có cách làm sáng tạo trong hoạt động đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người dân. Đó là tích cực tìm mối, thiết lập quan hệ, chủ động bắt tay với các DN, nhất là DN tiềm năng, có uy tín để các HTX hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm ổn định, giúp người nông dân yên tâm sản xuất.
Từ hướng đi này, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện như lúa (lúa thương phẩm, lúa giống), ngô... đã có những hợp đồng liên kết chắc chắn với các DN từ trồng đến khi thu hoạch.
Ngay như năm 2017 đã có 23 đơn vị tổ chức (HTX, THT ở các xã) liên kết với các DN sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa trên tổng diện tích 689ha. Đến năm 2018, số đơn vị tham gia liên kết với các DN vào sản xuất, tiêu thụ lúa đã nâng lên 27 đơn vị tổ chức với 937,5ha.
Riêng với cây ngô, vụ Đông 2017, toàn huyện đã bắt tay liên kết sản xuất 200ha. Những "bạn hàng" liên kết ổn định, chắc chắn lâu dài, như công ty Giống cây trồng Thái Bình, công ty giống cây trồng Trung ương, công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An, Trung tâm Giống cây trồng Nghệ An, Tập đoàn TH... luôn được địa phương tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách.
Ông Nguyễn Bá Tứ - Giám đốc HTX nông nghiệp Liên Thành (huyện Yên Thành), cho biết HTX đã phối hợp với chính quyền xã thực hiện các đơn hàng liên kết sản xuất lúa giống với công ty Giống cây trồng Thái Bình ổn định từ rất nhiều năm.
Các hợp đồng liên kết được xây dựng chặt chẽ, bảo đảm hài hòa trách nhiệm, quyền lợi của hai bên nên đạt hiệu quả cao; có nhiều đơn vị xóm dành phần lớn diện tích sản xuất lúa tập trung sản xuất lúa giống như xóm 5, xóm 4...
Nhiều mô hình ở Diễn Châu liên kết với DN đã đem lại hiệu quả sản xuất cao như liên kết sản xuất ớt cay, dưa hấu, lúa giống và lúa thương phẩm. Trung bình mỗi năm, tại huyện Diễn Châu cũng đã có khoảng 400ha được các HTX, THT hợp đồng liên kết để nông dân sản xuất. Chính quyền huyện, xã chỉ đứng ra làm trung gian, kết nối còn việc triển khai, tổ chức sản xuất, hợp đồng thu mua sản phẩm đều do HTX, THT làm việc với các DN.
Ông Lê Thế Hiếu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Diễn Châu, khẳng định: Chỉ có liên kết chặt chẽ thì sản xuất mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều huyện Diễn Châu lo sợ nhất là các hợp đồng liên kết "đổ vỡ". Tuy nhiên, do biết cách lựa chọn được những đơn vị tiềm năng nên Diễn Châu đã hạn chế được nguy cơ này.
"Các DN vào hợp đồng sản xuất đều được huyện "thẩm định" trước để sàng lọc, chọn lựa. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các DN bỏ tiền đầu tư giống, phân bón, thuốc trừ sâu, vật liệu sản xuất... rồi cấn trừ sau thu hoạch. Khi DN đã bỏ kinh phí đầu tư thì gần như họ không "chạy làng", ông Hiếu nhấn mạnh.
Dù mới chỉ liên kết sản xuất với diện tích ít nhưng tính bền vững của các hợp đồng liên kết ở huyện Thanh Chương lại cao hơn, chắc chắn hơn. Mỗi năm, các xã ở Thanh Chương tổ chức liên kết với DN từ 80 - 100ha để sản xuất rau màu, bí xanh, ngô ngọt, đậu cove, khoai lang.
Điều đặc biệt là trong hợp đồng liên kết, Thanh Chương đã yêu cầu DN tham gia ký quỹ đề phòng rủi ro. Sau khi đánh giá sơ bộ yêu cầu, hiệu quả mô hình, năng lực DN, huyện đã lựa chọn địa phương đủ điều kiện để giới thiệu. Thông qua UBND các xã, các HTX nông nghiệp đã trực tiếp làm việc, cam kết, ký kết với các DN trong tổ chức sản xuất. Thực tế đã chứng minh, các liên kết bao tiêu sản phẩm ở địa phương đều thành công, đạt hiệu quả cao.
Hội thảo sản xuất giống lúa TBR225 tại xã Hoa Thành huyện Yên Thành |
Nhân rộng các mô hình liên kết
Nhìn một cách tổng thể, các mô hình liên kết phát triển sản xuất như trên là chưa nhiều. Có một thực tế đang ảnh hưởng, tác động rất nhiều đến việc thực hiện liên kết phát triển sản xuất. Đó là hầu hết các mô hình liên kết còn mang tính tự phát nên tính bền vững chưa cao.
Thêm vào đó, tư tưởng, nhận thức của người dân về sản xuất hàng hóa chưa thật sự chuyển biến rõ rệt, phát triển chưa thực sự bền vững, sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; nguy cơ phá vỡ hợp đồng liên kết rất cao do các bên chưa chấp hành nghiêm hợp đồng.
Mặt khác, ruộng đất nhìn chung còn manh mún, nhỏ lẻ, số diện tích trên nhân khẩu còn thấp dẫn đến khó liên doanh, liên kết với các DN.
Điều rất đáng lo là hình thức tổ chức sản xuất tuy đã được kiện toàn nhưng chưa phát huy được hiệu quả. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết với các DN trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm, cung ứng các dịch vụ cho các thành viên HTX còn yếu, năng lực chỉ đạo, điều hành của đội ngũ cán bộ HTX còn yếu.
Trước thực tế trên, khắc phục khó khăn, nhân rộng các mô hình liên kết đang là mục tiêu quan trọng được các địa phương ở tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thực hiện trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Nguyễn Vương Ngọc - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, thông tin: "Chúng tôi sẽ thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất (rộng 200ha/vùng, thuận tiện giao thông, tưới tiêu hợp lý) để bảo đảm tính lâu dài, bền vững".
Ngoài ra, Yên Thành cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn với các chương trình tập hấn, tham quan... để người dân hiểu được về mục tiêu, cách thức liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Quan trọng hơn, các ngành, các cấp sẽ tạo điều kiện để người nông dân tiếp cận nguồn vốn, tổ chức sản xuất theo hướng liên kết.
Nhiều địa phương cũng cho rằng sẽ tổ chức phát triển các mô hình liên kết gắn với việc thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" trong xây dựng nông thôn mới. Những địa phương đang còn ít mô hình liên kết sẽ tăng cường đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật cho nông dân sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất lúa hữu cơ, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất lúa theo phương pháp cải tiến (SRI)… để nâng cao kiến thức sản xuất cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Lê Đình Thanh trao đổi: "Huyện sẽ tiếp tục củng cố, kiện toàn HTX nông nghiệp sau chuyển đổi, trong đó tập trung làm tốt dịch vụ đầu vào, đầu ra cho nông dân; tổ chức thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, dịch vụ thuỷ lợi, bảo vệ thực vật... hướng dẫn nông dân ứng dụng KH-KT vào sản xuất, liên kết với DN trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Từ những mô hình đã thành công, chúng tôi sẽ tích cực phát huy hiệu quả để nhận rộng ở những đơn vị đủ điều kiện".
Hiện tại, tỉnh Nghệ An đang tích cực phối hợp triển khai Chương trình Kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn nhằm kết nối giữa người sản xuất với người tiêu dùng; nâng cao giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp, từng bước hình thành chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, cho biết: Thông qua hoạt động giới thiệu, quảng bá sản phẩm theo Chương trình Kết nối cung - cầu, các cơ sở sản xuất có cơ hội giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao đến với các DN phân phối và người tiêu dùng. Cũng từ đây, các DN phân phối, tiêu thụ có cơ hội tiếp cận các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh liên kết, từ đó tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và xây dựng kênh phân phối.
Đây là hướng đi đúng đắn trong chiến lược lâu dài là liên kết chặt chẽ để phát triển sản xuất bền vững. Theo ông Lập, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được nhiều mô hình liên kết theo dạng này và đã phát huy được hiệu quả tích cực.
Thanh Hải