Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội chia sẻ, ngoài kênh xuất khẩu truyền thống bằng các đơn hàng ký kết với các doanh nghiệp thì qua kênh thương mại điện tử, hàng hóa của các doanh nghiệp được quảng bá sâu rộng đến thị trường khắp các nước trên thế giới để người tiêu dùng có thể biết đến và lựa chọn mua sắm các sản phẩm.
Tăng doanh số nhờ “lên sàn”
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) là một trong những mô hình tiêu biểu thực hiện sản xuất nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số trong nông nghiệp bằng các giải pháp đồng bộ như: Nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh, hệ thống camera giám sát đồng ruộng, tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu.
Việc ký kết hợp tác liên kết với hai sàn thương mại điện tử Kinhteec và Cadosa giúp HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (Hà Nội) mở rộng đầu ra cho tiêu thụ rau củ quả, doanh thu tăng so với hình thức bán hàng thông thương. |
HTX còn đẩy mạnh bán hàng qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử nên dù dịch COVID-19 tác động, chuỗi sản xuất - tiêu thụ của HTX Rau quả sạch Chúc Sơn vẫn duy trì, phát triển ổn định, doanh thu năm 2021 đạt 14 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2020.
Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Thám cho biết, việc ký kết hợp tác liên kết với hai sàn thương mại điện tử Kinhteec và Cadosa giúp đơn vị này mở rộng đầu ra cho tiêu thụ rau củ quả; hạn chế tối đa tình trạng được mùa mất giá, hoặc bị tư thương ép giá khi thị trường biến động. Qua đó, thành viên HTX có thể yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất.
Trong khi đó, anh Lê Văn Chung, chủ một doanh nghiệp nhỏ chuyên bán đồ phụ kiện điện thoại trên phố Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, trước đây doanh nghiệp của anh vẫn kinh doanh theo cách truyền thống là bán hàng trực tiếp. Qua 2 năm dịch, anh bắt đầu chuyển sang bán hàng online, dù thời gian chưa lâu nhưng đến nay đã xem Shopee là kênh bán hàng chủ chốt, giúp gia tăng lượt hiển thị, tiếp cận nhiều tệp khách hàng mới cũng như hưởng các ưu đãi đặc biệt về mã giảm giá, mã vận chuyển... hấp dẫn người mua. Hiện mức tăng trưởng hàng tháng đã đạt 10-20%.
Nói về tính hiệu quả của kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải nhận định, hiện việc sử dụng thiết bị điện thoại thông minh đã phổ biến nên bán hàng dựa trên nền tảng ứng dụng thương mại điện tử sẽ là xu hướng tất yếu. Thương mại điện tử sẽ là giải pháp giúp kết nối nhà sản xuất, nhà phân phối và các cửa hàng bán lẻ truyền thống. Việc kết nối “các nhà” thông qua thương mại điện tử cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ truyền thống có sức cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.
Tăng cường hỗ trợ HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ
Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt 13,7 tỷ USD, chiếm khoảng 7% tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước; tỷ lệ người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến cũng đã tăng lên khoảng 90% (năm 2019 là 77%) với ước tính giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi người tiêu dùng là 270 USD.
Hà Nội phấn đấu giữ vững xếp hạng thứ 2 trở lên so với cả nước về Chỉ số Thương mại điện tử (EBI) hằng năm. Doanh số thương mại điện tử B2C (giao dịch giữa các doanh nghiệp, HTX... với người tiêu dùng và tính cho cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) chiếm 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố; tỷ lệ dân số Hà Nội tham gia mua sắm trực tuyến dự kiến đạt 45%...
Trong 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội được đánh giá là một trong các thị trường phát triển thương mại điện tử năng động nhất. Nắm bắt xu hướng phát triển này, Thành phố đã tiếp tục đề ra các mục tiêu phát triển thương mại điện tử , tiếp tục phấn đấu giữ vững xếp hạng từ thứ 2 trở lên so với cả nước về EBI hằng năm.
Đặc biệt, Thành phố cũng phấn đấu có 95% doanh nghiệp có website, ứng dụng cung cấp thông tin doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh. 100% số chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tham gia hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QRcode truy xuất nguồn gốc; phát triển, xây dựng và nâng cao kết cấu hạ tầng logistics đáp ứng phục vụ phát triển thương mại điện tử,...
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết, thương mại điện tử có vai trò rất quan trọng, đặc biệt là trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả ra thị trường thế giới trong thời gian dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong khi đó, việc bán hàng qua các sàn thương mại điện tử cũng là một trong những cách nhanh nhất để các doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó đưa hàng hóa xuất khẩu ra toàn cầu, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hà Nội luôn quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu những mặt hàng tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế, trong đó có mặt hàng thủ công mỹ nghệ.
“Để mở rộng thị trường và phát triển mạnh mẽ ngành nghề cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo chuyên ngành với các hoạt động đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn 1:1 miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tìm thêm được các kênh xuất khẩu, thị trường mới phù hợp qua thương mại điện tử...”, bà Trần Thị Phương Lan cho hay.
Đức Anh