Ngày 1/8, Hà Nội sẽ đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm kể từ ngày Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội "về việc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh có liên quan" có hiệu lực.
Thoát “tấm áo chật”
Theo báo cáo của UBND Thành phố Hà Nội, trong 15 năm mở rộng và hợp nhất, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn (ngoại trừ năm 2018) và đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước. Bình quân giai đoạn 2011-2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm)
Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950 USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110 USD) gấp 3,5 – 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697 USD).
Thủ đô Hà Nội sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính đang khẳng định vị thế đầu tàu phát triển cả nước. |
Đáng chú ý, diện mạo các khu vực ngoại thành ngày càng “thay da đổi thịt”. Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội đánh giá, qua 15 năm hợp nhất, bộ mặt nông thôn trên địa bàn Thành phố đã có những thay đổi căn bản, toàn diện từ phương thức canh tác sản xuất hướng tới nền nông nghiệp hiện đại.
Nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được đưa vào sản xuất, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ qua chương trình triển khai xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Chính nhờ vậy, đời sống người dân ngoại thành Thủ đô đã được nâng lên rõ rệt. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn Hà Nội đạt 56,3 triệu đồng/người/năm.
Đến nay, Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hoà, Ba Vì đang hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy. Hiện, thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống.
Công nghiệp khẳng định vai trò “đầu tàu”
So với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mặc dù Hà Nội chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số nhưng đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% về kim ngạch xuất khẩu, 29,77% và 10,77% về kim ngạch nhập khẩu.
Kinh tế Thủ đô khẳng định vị thế đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Trong đó, ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao.
Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng trên địa bàn Thủ đô tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%). Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá.
Hà Nội đang phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. |
Cùng với đó, Chương trình Phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP Hà Nội đã được Sở Công Thương tham mưu tổ chức triển khai từ năm 2008 đến nay và đã hình thành ngày càng rõ nét hơn các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Cụ thể, tính đến hết năm 2022, Thành phố đã lựa chọn, công nhận 196 sản phẩm của 132 doanh nghiệp, HTX là sản phẩm công nghiệp chủ lực, tăng 143 sản phẩm, 84 doanh nghiệp, HTX so với năm 2010 (có 53 sản phẩm của 48 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực).
Sản phẩm công nghiệp chủ lực Thành phố thuộc các nhóm ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo; điện, điện tử; công nghệ thông tin; dệt may, da giầy; công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; công nghiệp hóa chất, cao su, nhựa, dược phẩm; công nghiệp vật liệu xây dựng; thủ công mỹ nghệ.
“Đến nay, công nghiệp hỗ trợ TP Hà Nội đã thực sự trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, quan trọng, được đánh giá cao trong ngành công nghiệp của TP Hà Nội”, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhấn mạnh.
Phát triển toàn diện về mọi mặt
Cùng với công nghiệp, Hà Nội đã chủ động phát triển về mọi mặt kinh tế xã hội. Điển hình, du lịch trên địa bàn Thủ đô được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính 6 tháng đầu năm 2023, tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%); dự kiến cả năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch.
Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; phát triển và ứng dụng nhiều kỹ thuật chuyên sâu, hiện đại trong chẩn đoán, điều trị, trong đó nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện hàng đầu khu vực.
Đáng chú ý, thời gian qua, Thành phố cũng đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065,... Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội. Hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn.
Thành phố đang triển khai 4 dự án nước sạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước của 100% dân cư đô thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Hạ tầng thoát nước được đầu tư, góp phần hạn chế úng ngập cục bộ kéo dài và đáp ứng tưới tiêu phát triển nông nghiệp,... Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại của Thủ đô.
Mỹ Chí