Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính TP. Hà Nội và một số tỉnh liên quan. 15 năm qua (2008 - 2023), với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đã phát huy lợi thế, vượt thách thức, triển khai hiệu quả Nghị quyết.
Mở rộng hạ tầng kết nối
Đến nay, Hà Nội đã có bước thay đổi lớn về diện mạo giao thông đô thị. Nhiều tuyến đường vành đai, dự án cầu, đường, đường sắt đô thị được đầu tư, đưa vào sử dụng, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối trung tâm với các vùng ngoại vi.
Điển hình như các tuyến Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy, Vành đai 3, trục phía Nam Hà Tây, Quốc lộ 1A (đoạn Văn Điển-Ngọc Hồi), một số đoạn tuyến của đường Vành đai 2,5 và 3,5, hay các tuyến đường trọng điểm kết nối vùng như Đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp...
Hạ tầng kết nối đô thị, kết nối vùng tại Hà Nội đang ngày càng được hoàn thiện. |
Đáng chú ý nhất trong thời gian qua có thể kể đến “siêu dự án” Vành đai 4 Vùng thủ đô được khởi công vào cuối tháng 6/2023. Dự án có tổng chiều dài hơn 112 km, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, với nhiều kỳ vọng mở ra không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là Dự án quan trọng quốc gia đầu tiên triển khai thực hiện theo quy định của Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Đồng thời, Vành đai 4 cũng là Dự án có tính chất liên vùng đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc hoàn thành Vành đai 4 sẽ mang lại lợi thế lớn về vận chuyển cho Hà Nội nói riêng và các tỉnh/thành đồng bằng sông Hồng nói chung. Từ đó, có thể giảm giá thành, giảm chi phí vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm vùng Thủ đô.
Vành đai 4 cũng giúp Hà Nội và các tỉnh sẽ hưởng lợi về công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ… một cách toàn diện. Đồng thời, giúp Thủ đô có điều kiện phát triển đô thị trung tâm, hình thành chuỗi đô thị mới ở phía Tây, khai thác hiệu quả quỹ đất hơn 6.500ha. Thúc đẩy liên kết với các đô thị vệ tinh đã được quy hoạch và các khu công nghiệp dọc tuyến thuộc các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang…
Tạo động lực phát triển vùng
Có thể thấy, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, diện mạo giao thông đô thị trên địa bàn Hà Nội đã có những thay đổi toàn diện.
Cùng với đó, kinh tế xã hội của TP cũng đang có những bước đột phá, phát triển toàn diện. Đến nay, dân số toàn TP. Hà Nội đạt trên 8,5 triệu người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất tháng 8/2008). TP chia thành 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).
Kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm.
Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP trên địa bàn Thủ đô tăng bình quân 6,67%/năm, trong đó, dịch vụ tăng 6,77%, công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%, nông nghiệp tăng 2,87%.
Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục là trung tâm kết nối phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. |
Hà Nội cũng luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt xấp xỉ 292 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động).
Sự phát triển về kinh tế, xã hội toàn diện giúp Hà Nội khẳng định vị thế trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước.
Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất ngày 20/7 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thời gian qua Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã có nhiều chính sách ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn lực để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, tạo bộ mặt Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.
Với riêng Thủ đô Hà Nội đã và đang chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.
Hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô
Với những thành công đang có, Hà Nội đang hướng tới mục tiêu tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia. Đồng thời, trở thành trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
TP. Hà Nội cũng chủ trương khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Hà Nội là thành phố “Xanh - Văn hiến - Thông minh - Hiện đại”, là thành phố đáng sống của cả nước.
Đồng thời, Hà Nội chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô hiện hành và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065.
Để hoàn thành mục tiêu, trong thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.
Các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô.
Đáng chú ý, TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận. Đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận. Khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan, xanh, sạch, đẹp và khang trang tại khu vực nội đô lịch sử. Nâng cao chất lượng dịch vụ đô thị, quản lý và xử lý hiệu quả các vấn đề về nhà ở đô thị, quản lý đất đai, trật tự xây dựng, trật tự và an toàn giao thông, xử lý chất thải, nước thải và bảo đảm vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh đô thị,...
Mỹ Chí