Tính đến tháng 7/2024, ngân sách TP Hà Nội đã bố trí hơn 26.026 tỷ đồng thực hiện 1.218 dự án trong lĩnh vực văn hóa, y tế, di tích. Trong đó dự án cấp TP đã bố trí trên 2.634 tỷ đồng với 40 dự án.
Ưu tiên các nguồn lực
Đối với dự án hỗ trợ cấp huyện, ngân sách TP đã bố trí trên 23.390 tỷ đồng cho 1.178 dự án (đạt 70% kế hoạch). Ngân sách cấp huyện đã bố trí đối ứng trên 4.200 tỷ đồng, với trên 1.150 dự án.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT TP. Hà Nội, tại các kỳ họp HĐND và kỳ họp chuyên đề (năm 2022, 2023, 2024), HĐND Thành phố đã ban hành nhiều Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, trong đó đã bố trí vốn, điều chỉnh kế hoạch vốn cho hàng loạt dự án thuộc 3 lĩnh vực văn hóa, y tế, di tích.
Hà Nội luôn ưu tiên các nguồn lực để phát triển song hành cả kinh tế và văn hóa. |
Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch đầu tư trong 3 lĩnh vực giai đoạn 2022-2025, Ban Chỉ đạo cấp TP đã thường xuyên tổ chức các hội nghị giao ban toàn TP để chỉ đạo công tác triển khai thực hiện, kịp thời chỉ đạo rà soát giải quyết các khó khăn vướng mắc về vốn theo đề xuất kiến nghị của các huyện.
Với sự quan tâm sâu sát, dự kiến năm 2024 TP sẽ hoàn thành 449 dự án. Lũy kế đến hết năm 2024 dự kiến có 815 dự án hoàn thành (đạt 56% số dự án). So với cùng kỳ tháng 4/2024, đã có thêm 27 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, 28 dự án mới được phê duyệt, 11 dự án mới khởi công.
Để hoàn thành kế hoạch đầu tư các dự án đối với 3 lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, tại hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo, diễn ra vào ngày 31/7 vừa qua, lãnh đạo HĐND TP và UBND TP đề nghị các đơn vị có dự án điều chỉnh cần khẩn trương báo cáo để UBND để tổng hợp trình HĐND vào tháng 9 tới.
Đặc biệt, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn giao UBND TP chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá tình hình, khả năng triển khai, hấp thụ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, năm 2024, 2025 của 3 lĩnh vực. Đồng thời đề nghị các đơn vị rà soát các dự án, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cụ thể từng dự án với mục tiêu quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đặt ra.
Phát triển song hành kinh tế, văn hóa
Thực tế, trong thời gian qua, Hà Nội luôn chú trọng phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Minh chứng là nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách TP.
Tại Hội thảo khoa học với chủ đề “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, diễn ra vào hạ tuần tháng 7 vừa qua, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh chính sự đầu tư thích đáng đã và đang giúp công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.
Nền tảng văn hóa giàu bản sắc giúp Hà Nội luôn đẹp trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế. |
Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đánh giá: "Hà Nội là ngọn hải đăng dẫn dắt sự phát triển công nghiệp văn hóa của cả nước. Với Nghị quyết 09 của Thành ủy cùng hàng loạt các chương trình, chỉ thị, kế hoạch…, Thủ đô thực sự đã có nhiều bứt phá trong lĩnh vực văn hóa".
Để đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, Hà Nội cần nhiều hơn không gian sáng tạo, sự kiện sáng tạo để hình thành con người sáng tạo. Đó là điều cơ bản để phát triển công nghiệp văn hóa, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Nâng tầm công nghiệp văn hóa
Tại Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045", TP Hà Nội xác định nhiều mục tiêu thế mạnh mũi nhọn, trước mắt tập trung một số ngành như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, ẩm thực, trò chơi...
Bên cạnh việc xác định các mục tiêu của từng giai đoạn và các giải pháp tổng thể để phát triển công nghiệp văn hóa, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai một số sản phẩm văn hóa cụ thể trong từng năm. Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị thí điểm triển khai một số sản phẩm văn hóa chất lượng, thu hút sự chú ý, quan tâm của du khách và nhân dân.
Điển hình như chương trình tham quan, trải nghiệm di tích Nhà tù Hỏa Lò với chủ đề "Đêm thiêng liêng - sáng ngời tinh thần Việt" và "Đêm thiêng liêng 2 - sống như những đóa hoa"; Tour du lịch "Giải mã Hoàng thành Thăng Long"; chương trình trải nghiệm đêm Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Sau 4 năm chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo và 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, hiện nay, thành phố ngày càng có sự phát triển đa dạng về các sản phẩm văn hóa.
Đặc biệt, Hà Nội đã phối hợp với UNESCO tại Việt Nam và UN Habitat tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên, trong đó mỗi năm chọn một chủ đề khác nhau. Năm 2021 chọn chủ đề "Khơi nguồn sáng tạo", năm 2022 chủ đề "Sáng tạo và công nghệ", năm 2023 với chủ đề "Dòng chảy" và được tổ chức tại các di sản công nghiệp gắn với Hà Nội như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… thu hút hàng trăm nghìn khách tham quan.
Với những thành công đang có, để hiện thực hóa mục tiêu biến di tích, di sản văn hóa lịch sử thành nguồn lực phát triển kinh tế, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng các ngành các cấp cần phải có sự thống nhất với nhau, đưa ra một chiến lược tổng thể.
Chiến lược này cần được xem xét, phê duyệt bởi các cấp có thẩm quyền, trên cơ sở đó, đưa ra các chương trình, đề án cụ thể giúp khai thác tốt nhất giá trị văn hoá, lịch sử của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đông Hà