Thực tế, chủ trương phát triển đô thị thông minh được Chính phủ định hướng triển khai từ năm 2018 với Quyết định số 950/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kể từ đó đến nay, với những kế hoạch và bước đi rất cụ thể, Hà Nội đã hình thành cơ bản các thành phần cốt lõi của thành phố thông minh.
Những bước tiến vững vàng
Trong giai đoạn 2018-2020, Hà Nội tập trung xây dựng và phát triển nền tảng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, phát triển thương mại điện tử tạo tiền đề cho hình thành kinh tế số trong tương lai.
Đặc biệt, cơ sở hạ tầng viễn thông của thành phố phát triển hiện đại, an toàn, vùng phủ dịch vụ rộng. Cùng với việc xây dựng chính quyền điện tử, Hà Nội cũng tích cực ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giải quyết một số lĩnh vực “nóng” như giao thông, du lịch, y tế, môi trường…
Năm 2021, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 03-CTr/TU về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", trong đó có hướng tiếp cận mới, được kỳ vọng sẽ giải quyết hài hòa những thách thức của đô thị hiện nay.
Cụ thể, để giải quyết những hệ lụy của quá trình đô thị hóa (quá tải hạ tầng, ô nhiễm, ngập úng…), Chương trình nhắm đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; bảo đảm mối liên kết hài hòa giữa đô thị và nông thôn...
Một trong những chỉ tiêu của Chương trình là từ nay đến năm 2025 triển khai đầu tư xây dựng từ hai đến ba khu đô thị mới theo định hướng thông minh.
Xây dựng thành phố thông minh là giải pháp để giải quyết những hệ lụy về hạ tầng, môi trường... của quá trình đô thị hóa. |
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để hiện thực hóa mục tiêu, các sở, ngành, UBND quận, huyện của thành phố đã và đang tích cực triển khai, hiện đã có những kết quả bước đầu trong việc xây dựng các khu đô thị thông minh.
Trong đó, dự án Khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ - Vinhomes Park tại quận Nam Từ Liêm do công ty CP đầu tư xây dựng Thái Sơn là nhà đầu tư thực hiện đã được UBND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư. Dự án hiện đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đang triển khai đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc trên đất (đạt khoảng 70% khối lượng).
Cùng với đó là Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị tại các xã Xuân Canh, Ðông Hội, Mai Lâm (huyện Ðông Anh) đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, thực hiện các thủ tục về giao đất.
Tạo dựng giá trị cốt lõi
Kết quả thực tế cho thấy mục tiêu xây dựng thành phố thông minh tại Hà Nội thời gian qua không chỉ nhận được sự quan tâm đặc biệt từ chính quyền các cấp, mà còn có sự tham gia, đóng góp tích cực của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Một trong những dự án nổi bật có sự hiện diện của doanh nghiệp nước ngoài là Dự án thành phố thông minh được thực hiện liên doanh giữa Tập đoàn BRG (Việt Nam) và Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư phát triển với tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2028.
Dự án với sự tham dự của những doanh nghiệp có tiềm lực mạnh đang được thực hiện sẽ được áp dụng nhiều công nghệ thông minh, hướng tới 6 yếu tố: Năng lượng thông minh, giao thông thông minh, quản trị thông minh, học tập thông minh, đời sống thông minh và kinh tế thông minh.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, cho biết thành phố thông minh có thể được hình dung như một “hệ thống lớn”, không thể xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn. Vì vậy, cần phải thúc đẩy các yếu tố cốt lõi đi xây dựng thành phố thông minh bền vững, đi từng bước nhỏ nhưng khả thi và mang lại hiệu quả.
Để người dân có cuộc sống tốt hơn, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội cần phải thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới phải xây dựng tốt cơ sở hạ tầng để phát triển đô thị thông minh.
Cùng với đó, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cần thực hiện sớm đề án đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, phát triển đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển đô thị thông minh.
Với nền tảng vững vàng, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực. Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh - thông minh - hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu, thành phố Hà Nội đã có kiến nghị Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn áp dụng công nghệ thông minh trong quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, phát triển hạ tầng đô thị thông minh và các tiện ích thông minh cho dân cư đô thị. Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về phát triển đô thị thông minh.
Cùng với đó, ban hành các quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia; trách nhiệm của chủ đầu tư, của chính quyền địa phương trong việc đầu tư xây dựng, phát triển các khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh.
Nhật Minh