Đặc biệt, Luật Thủ đô năm 2024 được thông qua hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, mở ra cơ hội hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao trong khu vực và trên thế giới.
Nền tảng cho sự phát triển
Việc xây dựng Luật Thủ đô không chỉ nhằm mục tiêu mang lại lợi thế, tạo sự thuận lợi cho xây dựng, phát triển của riêng Thủ đô mà còn để Thủ đô đóng góp nhiều hơn, hiệu quả hơn cho sự phát triển chung của đất nước.
Những mục tiêu trên cũng được đặt ra tại Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 14/11.
Toàn cảnh Hội thảo khoa học “Triển khai Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15): Những vấn đề lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 14/11. |
Hội thảo được tổ chức nhằm làm rõ những cơ sở lý luận và thực tiễn, xác định rõ tính chất, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Thủ đô đặt trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII (Hội nghị Trung ương 10) và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh cải cách thể thể để phục vụ mục tiêu phát triển, tháo gỡ các điểm nghẽn, huy động được mọi nguồn lực để Thủ đô phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước trong thời kỳ bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Lê Hải Bình cho biết, ngày 28/6/2024, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô (Luật số 2024/QH15). Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.
Luật gồm 7 chương, 54 điều (tăng 3 chương, 27 điều so với Luật Thủ đô năm 2012), bám sát 5 quan điểm chỉ đạo xây dựng dự thảo và 9 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định với nhiều nội dung mới, hướng đến việc phân quyền, phân cấp mạnh mẽ trên các lĩnh vực... cùng nhiều giải pháp chính sách đặc thù, vượt trội, phù hợp với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển đất nước, Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới.
Luật Thủ đô 2024 đang được đẩy mạnh đưa vào thực tiễn nhằm xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. |
Luật Thủ đô năm 2024 ra đời nhằm đáp ứng mục tiêu đặt ra của Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Luật Thủ đô được ban hành tạo nền tảng pháp lý cho việc xây dựng Hà Nội thành một đô thị văn minh, hiện đại và phát triển bền vững.
“Chìa khóa” cho sự bứt phá
Theo thông tin từ hội thảo, trong thời gian qua, Ban tổ chức đã nhận được 62 bài viết của các tác giả là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô.
Tham luận tại hội thảo, GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh đến việc xây dựng và hoàn thiện chính quyền Thủ đô theo định hướng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện Luật Thủ đô năm 2024.
Các đại biểu đóng góp ý kiến nhằm cụ thể hóa, đưa Luật Thủ đô 2024 thẩm thấu vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho người dân. |
Trong đó, thành phố cần hoàn thiện mô hình quản trị Thủ đô hiệu quả, hiện đại, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng và phát triển Thủ đô theo quy hoạch Thủ đô và quy hoạch chung Thủ đô, bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, môi trường sống trong lành, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh; cảnh quan trung tâm; phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của thành phố (theo khoản 1 Điều 17, Luật Thủ đô).
“Xây dựng đô thị thông minh là xu thế tất yếu, cần có sự tham gia, phối hợp từ Chính phủ, chính quyền đô thị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư. Việc xây dựng mạng lưới dịch vụ pháp lý đủ mạnh để giúp người dân và doanh nghiệp thực hiện và sử dụng pháp luật hiệu quả, từng bước hình thành xã hội pháp quyền, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành nếp sống của người dân Thủ đô”, GS.TS Trần Ngọc Đường nhấn mạnh.
Trong khi đó, TS Đoàn Thị Tố Uyên, Trưởng khoa Pháp luật hành chính, nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh đến nhiệm vụ bảo đảm chất lượng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Thủ đô.
"Chất lượng của các văn bản quy định chi tiết Luật Thủ đô được đánh giá trên cơ sở các tiêu chí về tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, tính khả thi... Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng của các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật thuộc trách nhiệm của cơ quan thẩm định, thẩm tra dự thảo nghị định, nghị quyết, quyết định và thông tư trong giai đoạn soạn thảo văn bản”, TS Đoàn Thị Tố Uyên nhìn nhận.
Ban tổ chức đã nhận được 62 bài viết của các tác giả là nhà khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp về nhiều chủ đề, nhiều khía cạnh khác nhau của việc thực hiện Luật Thủ đô. |
Quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn trong Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Cao Đức Phát, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, cho rằng để đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển một số lĩnh vực trọng tâm liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn, thành phố cần sớm có quyết sách về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp số.
Đồng thời, thành phố cần sớm có chủ trương, định hướng và cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp đô thị. Đặc biệt là xây dựng một nền nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ở góc nhìn từ những kinh nghiệm quốc tế, PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội lại nhấn mạnh đến việc thành phố cần tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn.
Cụ thể, thành phố cần xác định rõ các ngành nghề mũi nhọn, có tiềm năng phát triển cao và phù hợp với định hướng phát triển của thành phố như công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp bán dẫn, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải carbon, ứng phó với biến đổi khí hậu, tài chính, dịch vụ...
Đặc biệt, thành phố cần tăng cường đầu tư vào các chương trình đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực này, nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đông Phong