Tỏ rõ sự bức xúc, chị Nguyễn Thị Hà (phường Đằng Lâm, Hải An, Hải Phòng) thay mặt hàng chục du khách cho biết: “Gia đình tôi cùng một số gia đình bạn đi ra đảo Cát Ông, không đi thăm vịnh Lan Hạ nhưng Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vẫn bắt phải mua vé đi thăm vịnh Lan Hạ với giá vé 40.000 đồng/người”.
Du khách không đi thăm vịnh Lan Hạ nhưng vẫn phải mua vé đi thăm vịnh Lan Hạ với giá vé 40.000 đồng/người |
Đi cùng đoàn, chị Hoàng Thị Loan (khu tập thể Đồng Tâm, phường Lạch Tray, Hải Phòng) bổ sung: Du khách muốn đi thăm vịnh Lan Hạ hầu hết phải ra vịnh bến Bèo và bắt buộc phải đi bằng tàu chuyên chở khách, nhà tàu phải có đủ tiêu chuẩn với 5-6 loại giấy phép. Nhưng chúng tôi chỉ đi bằng tàu nhỏ theo tiêu chuẩn con đò để chạy từ bến tàu cao tốc (bến chính đảo Cát Bà - PV) ra đảo Cát Ông, độ dài đoạn đường chỉ 2 hải lý với thời gian khoảng 10-15 phút.
Tàu như vậy không đủ tiêu chuẩn chở khách để vào tham quan vịnh Lan Hạ, bởi nhà tàu sẽ bị phạt rất nặng nên có cho thêm tiền họ cũng không dám chở chúng tôi đi vịnh Lan Hạ. Dù biết điều đó, nhưng Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vẫn cố tình "đè" chúng tôi ra bắt mua vé thăm quan vịnh Lan Hạ”.
Người lái tàu này cho biết, tàu của ông không đủ điều kiện ra Vịnh Lan Hạ. |
Sáng 12/8, một số phóng viên đi theo một đoàn du khách để kiểm chứng, thấy những phản ánh trên hoàn toàn chính xác. Vì chỉ đi đảo Cát Ông nên nhiều du khách tự thuê đò hoặc được một chủ quán ở đảo Cát Ông đưa tàu vào thị trấn Cát Bà đón ra đảo, nhưng Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà vẫn ép phải mua vé đi tham quan vịnh Lan Hạ với giá vé 40.000 đồng/ người. Một nhà báo trong đoàn lập tức gọi điện đến số máy di động 0913xxx150 cho ông Nguyễn Công Hòa - Giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà thì được giải thích: Cát Bà có nhiều vịnh, như bến Bèo, Lan Hạ, đảo Rứa, đảo Cát Ông... đều đồng nhất thu 40.000 đồng/người, đáng lẽ thu thêm 30.000 đồng là 70.000 đồng, nhưng do đảo Rứa, đảo Cát Ông... chưa đầu tư được gì, như cầu tàu, đường lên đảo nên vẫn chỉ thu 40.000 đồng (?!).
Khi lên tới đảo Cát Ông, rất nhiều du khách có thâm niên ra đảo Cát Ông thắc mắc: Vậy tại sao trên vé lại ghi “Vé tham quan vịnh Lan Hạ”, mà không phải là vé “Đi tham quan các đảo, vịnh thuộc quần đảo Cát Bà?” như lời ông Hòa giải thích. Trong khi việc thu tiền kiểu úm ba la này đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Còn về việc tàu đủ tiêu chuẩn mới được chở du khách vào tham quan vịnh Lan Hạ, ông Hòa cho rằng : “Chúng tôi không quản lý tàu, khách cứ xuống tàu, thuyền là thu vé đi tham quan vịnh (?!)”.
Từ đảo Cát Ông nhìn vào thị trấn Cát Bà chỉ khoảng 2 hải lý. |
Không biết câu trả lời của Giám đốc Ban quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà như vậy có đúng không? Có thực là UBND huyện Cát Hải giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà có quyền to đến mức được phép bán, thu vé du khách đi thăm tất cả các đảo thuộc quần đảo Cát Bà (hơn 400 đảo to nhỏ - PV) như lời ông Hòa nói không?
Nếu đúng như vậy, tại sao trên vé chỉ ghi “Vé tham quan vịnh Lan Hạ”? Hay Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà chỉ được phép bán, thu vé ở khu vực vịnh Lan Hạ, nhưng Ban này đã “luồn tay vào túi du khách” thu thêm, khi công tác tuyên truyền của UBND huyện Cát Hải chưa đáp ứng yêu cầu khiến đa số du khách thiếu thông tin nên đã bị Ban Quản lý các đảo thuộc quần đảo Cát Bà lợi dụng để thu thêm mà không biết?
Và còn các câu hỏi cần phải đặt ra: Các chuyến tàu cao tốc đi từ Hải Phòng ra đảo Cát Bà và ngược lại, tại sao du khách không phải mua vé tham quan vịnh Lan Hạ? Các du khách đi ra lồng bè ăn uống, du khách đi câu có phải mua vé tham quan vịnh Lan Hạ không?... Nếu không thu, Ban Quản lý các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Còn nếu thu đúng, thu đủ như quyền hạn của ông Hòa nói thì tiền đó có được nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước không?
Câu trả lời xin để ngỏ cho UBND huyện Cát Hải và cơ quan Thanh tra Nhà nước TP Hải Phòng.
Vũ Trang