Thông tin với các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương sáng 13/6, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt được những kết quả nổi bật. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 5,97% so với cùng kỳ, tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới bị ảnh hưởng kép do sự mất cân đối cung cầu bởi xung đột vũ trang, sự thắt chặt tiền tệ của các quốc gia.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng chia sẻ về "bức tranh" phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm nay.. |
Các ngành kinh tế duy trì phát triển như sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản... trong đó, dịch vụ và du lịch có tốc độ phát triển tốt nhất.
Tổng thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng đầu năm nay là 207 nghìn tỷ đồng, đạt 58,7% dự toán, tăng 25,1% so với cùng kỳ.
Thu hút FDI đạt khá cao với 1,8 tỷ USD, vượt kết quả của năm 2022. 5 tháng đầu năm nay, TP.Hà Nội có 13 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 126 nghìn tỷ đồng, tăng 8% về số lượng, nâng số lượng lên 362 nghìn doanh nghiệp.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, Thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh được tích hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia, 99,1% doanh nghiệp nộp thuế điện tử....
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có cơ hội và thách thức đan xen, nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhìn nhận, có lẽ thách thức nhiều hơn và Thành phố Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trước thực tế đó, "Thành uỷ cùng cấp uỷ Đảng tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới phương cách lãnh đạo theo hướng toàn diện, dân chủ, khoa học, sâu sát thực tiễn trong hững ngày đầu năm, những tháng đầu năm 2023, với tinh thần kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển và đã đạt được kết quả quan trọng.
Đặc biệt, Thành ủy chỉ đạo rà soát quy chế làm việc, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, triển khai nhiệm vụ trọng tâm của thành phố. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng và ban hành Chỉ thị tăng cường kỷ luật, kỷ cương của cấp ủy Đảng, địa phương, đơn vị thuộc Thành uỷ Hà Nội, với mục tiêu chống đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm", Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, kinh tế - xã hội Thủ đô đạt được kết quả khả quan, 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GRDP đạt xấp xỉ 6%. Mục tiêu trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đặt ra yêu cầu, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2021-2025 của Thủ đô phải cao hơn bình quân trung bình cả nước. "Nhìn lại 2 năm rưỡi, Hà Nội đều đạt mục tiêu này. Năm 2021, Thành phố có tốc độ tăng trưởng đạt 2,91%, cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2,58%; Năm 2022 thành phố đạt 8,89%, cả nước 8,02%", Bí thư Thành uỷ Hà Nội cho biết.
Điều quan trọng hơn cả là cơ cấu kinh tế của Thủ đô chuyển dịch tích cực, khu vực dịch vụ thương mại chiếm tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng bày tỏ nỗi trăn trở khi năm 2022, thu nhập bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng/người/năm, nhưng các huyện phía Tây và Tây Nam Hà Nội (khu vực tỉnh Hà Tây cũ) chỉ đạt trên dưới 70 triệu đồng, bằng một nửa so với mức bình quân chung.
Ông đặt vấn đề: "Tại sao 15 năm khi hợp nhất về Hà Nội mà các địa phương vẫn chậm phát triển như thế, nguyên nhân do một phần hạ tầng kém phát triển".
Theo đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, chủ trương của Thành phố là phát triển nhanh nhưng phải đồng đều, đẩy mạnh phát triển hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Vàng đai 4, làm đường sắt đô thị...
Nguyệt Ánh