Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức) được biết tới với sản phẩm tơ tằm tự dệt và tơ sen. Đầu năm 2023, bà Thuận đã có sản phẩm “Chăn bông tơ tằm tự dệt” được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương công nhận đạt 5 sao. Không chỉ vậy, bà Thuận còn nhiều sản phẩm khác như: “Khăn lụa tơ tằm”, “Khăn lụa tơ sen” được Thành phố đánh giá, phân hạng trong Chương trình OCOP.
Tiềm năng phát triển lớn
Nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ, xã Phùng Xá có nghề dệt truyền thống, nhưng mức lan tỏa chưa cao. Từ khi được tham gia Chương trình OCOP của thành phố, sản phẩm của làng nghề cùng với sản phẩm lụa tơ tằm, tơ sen do cơ sở nghiên cứu, sản xuất đã được nhiều người biết đến, sức tiêu thụ tốt hơn. Nhiều sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà còn xuất khẩu tới Nhật Bản, Đức, một số nước thuộc khu vực Trung Đông...
Chăn bông tơ tằm tự dệt đạt chứng nhận OCOP 5 sao của Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, Giám đốc Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Mỹ Đức (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức). |
Nếu như ở xã Phùng Xá, nhiều chủ thể phát huy lợi thế từ sản phẩm dệt lụa, khăn bông, thì ở huyện Mê Linh, người ta lại biết tới các sản phẩm nông sản đặc trưng. Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, đến nay, huyện có 75 sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm của 9 chủ thể tiêu biểu được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận bảo hộ nhãn hiệu, như: Hoa hồng Mê Linh, củ cải trắng Đông Cao, quả bưởi đỏ Đông Cao, cây hoa đào Phù Trì...
Là một trong những địa phương đi đầu Thành phố về số lượng sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Bùi Công Thản cho hay, trong triển khai thực hiện OCOP, nhằm nâng cao giá trị sản xuất và tạo thương hiệu cho sản phẩm, huyện Thường Tín có 152 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và hàng trăm sản phẩm tiềm năng OCOP, đang xây dựng OCOP.
"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối, đưa nhiều sản phẩm OCOP về điểm giới thiệu và bán sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Đồng thời, sẽ phát triển thêm các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện để chương trình OCOP có ý nghĩa thiết thực đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và người tiêu dùng", Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín chia sẻ.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, Thành phố đang dẫn đầu cả nước về số lượng sản phẩm OCOP của 426 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh đã được đánh giá và phân hạng. Việc mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP ở huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nhằm giúp các làng nghề, cơ sở sản xuất mở rộng cơ hội phát triển thị trường.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, đến thời điểm này, Thành phố Hà Nội đã có hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã; qua đó quảng bá, giới thiệu, đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, đưa du khách đến với Thủ đô.
Tiếp cận kênh bán lẻ hiện đại
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng phối hợp với nhiều hệ thống bán lẻ hiện đại để đẩy mạnh đưa các sản phẩm OCOP vào tiêu thụ. Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội vừa phối hợp với Công ty TNHH AEON MALL Việt Nam tổ chức "Hội chợ xúc tiến thương mại nông nghiệp, sản phẩm OCOP Hà Nội năm 2023". Hội chợ diễn ra đến hết ngày 11/6.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm OCOP Hà Nội tới thị trường trong và ngoài nước. |
Ông Nguyễn Ánh Dương, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến, đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội cho biết, qua 4 năm tổ chức với 7 kỳ hội chợ, trên 500 lượt doanh nghiệp của Hà Nội và các tỉnh, thành phố đã có cơ hội quảng bá thương hiệu, kết nối giao thương, hợp tác kinh doanh, tiếp cận và mở rộng tiềm năng xuất khẩu thông qua hệ thống phân phối hiện đại của AEON Việt Nam và toàn cầu.
Tại hội chợ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với bộ phận thu mua của AEON Việt Nam khảo sát, lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể OCOP có tiềm năng để kết nối giao thương, trao đổi cơ hội hợp tác trở thành nhà cung cấp của hệ thống AEON trong tương lai. Các doanh nghiệp được cung cấp thông tin về hướng dẫn chào hàng, quy định về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa đối với nhà cung cấp để các đơn vị, doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tiến tới trở thành nhà cung cấp cho hệ thống AEON.
Là một trong những đơn vị đồng hành, chung tay cùng các chủ thể OCOP đưa sản phẩm, thương hiệu, đặc sản vùng miền đến với người tiêu dùng, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Phú Thiên Tân Nguyễn Thị Hợi cho biết: “Các sản phẩm OCOP đã khẳng định được vị thế trên thị trường thực phẩm sạch Hà Nội và được người tiêu dùng đón nhận".
Tuy nhiên, việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP vẫn còn những khó khăn, thách thức, đặc biệt là hoạt động ứng dụng công nghệ số chưa đạt được kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế. Mặt khác, để sản phẩm OCOP có thể đưa vào hệ thống phân phối lớn, thì việc sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn trong nước cũng như tiêu chuẩn thị trường là yếu tố rất quan trọng.
Nâng cao chất lượng, đẩy mạnh xúc tiến trên môi trường số
Trong khi đó, các yêu cầu thông tin về sản phẩm ngày càng cao hơn, như nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm... Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp cận các thông tin này để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng như hệ thống phân phối cần đẩy mạnh hợp tác để thúc đẩy phát triển chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng.
Theo kế hoạch của giai đoạn 2021-2025, mỗi năm, Thành phố sẽ đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên. Đặc biệt, với nhiều dư địa để phát triển, việc thực hiện mục tiêu này của Thành phố sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và góp phần thiết thực vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại lưu ý, các quận, huyện, thị xã cần tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại để đưa các sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP vào các hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, cửa hàng kinh doanh đồ thủ công mỹ nghệ, điểm tư vấn giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch điện tử, bán hàng online... Để sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu mạnh, được đông đảo người tiêu dùng trong nước và quốc tế nhận diện, tiêu thụ sản phẩm.
Theo đó, thời gian tới, Hà Nội cần tập trung đẩy mạnh phát triển xây dựng thương hiệu; xây dựng quy hoạch, phát triển và liên kết vùng nguyên liệu bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, công nghệ bảo quản sau thu hoạch; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư thông qua xã hội hóa; phát triển và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế...
Đặc biệt, Hà Nội sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP còn chưa đạt được những kết quả tương xứng với tiềm năng thực tế. Một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới của chương trình OCOP là tăng cường chuyển đổi số như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream)…
Với những giải pháp trên, chắc chắn Thành phố Hà Nội sẽ có thêm nhiều sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng và tăng sức tiêu thụ trong, ngoài nước, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nguyệt Ánh