Trong buổi làm việc với Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông khẳng định Hà Nội với diện tích hơn 3.300km2, dân số khoảng 10 triệu người và tốc độ đô thị hóa gia tăng, có nhu cầu lớn về phát triển hạ tầng, thu gom xử lý rác thải, nguồn cung nước.
Tăng cường hợp tác quốc tế
5 lĩnh vực trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch, bao gồm: Năng lượng - môi trường, nông nghiệp - nông sản, y tế, giáo dục và thống kê. Hiện, Hà Nội chú trọng các giải pháp về cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng thân thiện với môi trường, chuyển hướng sang năng lượng tái tạo.
Trong quá trình “xanh hóa đô thị”, Hà Nội luôn hướng đến hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ từ các nước trong vấn đề cải thiện môi trường, giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí, xử lý nước thải và rác thải. Đây sẽ là mục tiêu trọng điểm trong chương trình phối hợp giữa Hà Nội và Copenhagen sắp tới.
Trước đó, vào cuối tháng 3/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng có buổi tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cùng lãnh đạo tập đoàn Sumitomo làm việc về các vấn đề xây dựng thành phố thông minh.
Hà Nội đang đẩy nhanh xây dựng công trình xanh, thành phố thông minh. |
Nói về dự án Thành phố thông minh phía Bắc Hà Nội do Sumitomo và Tập đoàn BRG (chủ đầu tư dự án) phối hợp triển khai, Chủ tịch UBND thành phố khẳng định đây là dự án trọng điểm, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ dự án, đến nay tiến độ giải phóng mặt bằng cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Trong quá trình triển khai dự án này, Hà Nội sẽ tiếp tục lắng nghe, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án để phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, trước mắt xúc tiến quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 và triển khai một số hạng mục lớn, chào mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.
Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG bày tỏ mong muốn dự án sẽ sớm được khởi công, đóng góp vào chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp 6 giải pháp thông minh về các mặt năng lượng - giao thông - quản trị - giáo dục - kinh tế - đời sống.
Có thể thấy, hợp tác quốc tế là một trong những giải pháp cụ thể để Hà Nội đẩy nhanh quá trình xây dựng các công trình xanh, đô thị thông minh. Đây cũng là yếu tố giúp quá trình “xanh hóa đô thị” tại Hà Nội có những chuyển biến tích cực trong những năm qua.
Xây dựng đô thị thông minh
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, kể từ năm 2015 đến nay, trong quá trình xây dựng đô thị xanh, thông minh, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh đang dành được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và nguồn lực triển khai.
Đặc biệt, xu hướng công trình xanh đang diễn ra ở khắp các lĩnh vực từ các dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự...), đến các công trình xã hội (trường học, bệnh viện)… đều đang được đẩy mạnh phát triển theo xu hướng xanh nhằm bảo đảm sự thân thiện với môi trường, mang lại cảm giác an toàn cho người sử dụng và đạt được nhiều lợi ích về kinh tế - xã hội.
Trong hơn nửa thập kỷ qua, Hà Nội đã có hàng chục công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh, bước đầu cho thấy kết quả của một hướng đi đúng đắn. Điều này càng đáng được ghi nhận khi tính đến năm 2015, toàn địa bàn thủ đô chưa có công trình nào được cấp chứng chỉ xanh.
PGS.TS Hoàng Mạnh Nguyên, Trường đại học kiến trúc Hà Nội, cho rằng cần xây dựng cơ chế hỗ trợ và khuyến khích công trình xanh thông qua việc ban hành các hệ thống luật liên quan.
Cụ thể là xây dựng cơ chế, chính sách tài chính khuyến khích phát triển công trình xanh; quan tâm phát triển công trình xanh trong thể loại nhà ở, nhà công cộng, tòa nhà thương mại được đầu tư từ ngân sách nhà nước; hoàn thiện hệ thống định mức, quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật xây dựng công trình xanh…
Bên cạnh phát triển công trình xanh, mới đây UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 161/KH-UBND về việc thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023.
Theo đó, kế hoạch được xây dựng nhằm mục đích triển khai các nhiệm vụ cụ thể thực hiện các sáng kiến và cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, đồng thời thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các cấp, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, nhân dân Thủ đô và quốc tế cùng tham gia, hỗ trợ Hà Nội xây dựng Thành phố sáng tạo.
Bên cạnh đó, kế hoạch đã xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, như: Các hoạt động Thành phố Hà Nội tham gia với vai trò thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO; xây dựng Báo cáo giám sát tư cách thành viên theo yêu cầu của UNESCO theo nhiệm kỳ vào năm 2023…
Kế hoạch cũng xác định rõ 6 sáng kiến của TP. Hà Nội, trong đó thực hiện 3 sáng kiến cấp độ địa phương (gồm: Kiến tạo Trung tâm Thiết kế sáng tạo Hà Nội; xây dựng và hỗ trợ các không gian sáng tạo tại Hà Nội; chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội) và 3 sáng kiến cấp độ quốc tế (gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; tổ chức Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á năm 2023; Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ).
Lệ Chi