Thực trạng khu vực KTHT, HTX thiếu đất làm nhà xưởng, đất canh tác, trụ sở...không hiếm gặp. Đơn cử như câu chuyện ở HTX dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng, xã Đức Giang, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) là một ví dụ.
HTX khát đất như ruộng hạn khát mưa rào
Thành lập từ năm 2009, năm 2017 do nhu cầu mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, HTX đã xây dựng dự án sản xuất rau và sản phẩm nông nghiệp an toàn. Để thực hiện dự án này, HTX đã làm các thủ tục thuê đất, được cấp có thẩm quyền phê duyệt với tổng diện tích gần 3 ha tại thôn Hồng Giang, xã Đức Giang.
Theo anh Nguyễn Trung Điện, Giám đốc HTX Lúa Vàng, ngay sau khi cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đơn vị đã tiến hành đóng các khoản phí, quỹ với tổng số tiền khoảng 1,6 tỷ đồng. Đồng thời, đặt mua phương tiện, máy móc phục vụ cho sản xuất. Tuy nhiên, đến nay sau gần 3 năm kể từ khi thực hiện đầy đủ các điều kiện xin được thuê đất, HTX vẫn chưa được bàn giao mặt bằng.
Cũng chung cảnh ngộ khó khăn trong việc thuê đất nông nghiệp để mở rộng sản xuất là HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Ông Vũ Huy Hà, Phó Giám đốc HTX cho biết, do ký kết cung cấp nông sản, thực phẩm sạch, an toàn, có truy suất nguồn gốc cho công ty Cổ phần suất ăn công nghiệp Hà Nội và một số doanh nghiệp khác với khối lượng hơn 4 tấn rau, củ quả và 3 tấn gạo, thịt, cá... mỗi ngày. Do vậy, ngoài việc đã ký kết bao tiêu rau sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của người dân các xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội), HTX Văn Đức, HTX Rau an toàn Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội), HTX cũng xây dựng kế hoạch sản xuất để chủ động nguồn rau sạch...
Phó giám đốc HTX An Phát Vũ Huy Hà cho biết, sau nhiều lần làm việc cùng với chính quyền xã và người dân xã Trung Màu huyện Gia Lâm về giá thuê đất để trồng rau sạch nhưng vẫn chưa có sự thống nhất nên HTX vẫn khát đất sản xuất, còn đất của người dân vẫn tiếp tục bỏ hoang (Ảnh: Phạm Duy) |
"HTX An Phát đã tiến hành các thủ tục pháp lý, đề xuất với chính quyền huyện Gia Lâm xin được thuê đất sản xuất nông nghiệp của người dân xã Trung Màu bỏ hoang để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và được đồng thuận cao. Tuy nhiên, kể từ tháng 9/2019, khi HTX phối hợp với UBND xã Trung Màu tiến hành các cuộc họp với người dân để thuê lại hơn 20 ha đất ở các thôn 1, 4, 5 với giá thỏa thuận 1,5 triệu/sào, sau đó cải tạo đất đai, đầu tư trang thiết bị trồng rau sạch, an toàn thì người dân lại “hét” với giá từ 5 đến 6 triêu đồng/sào/năm. Do người dân đòi giá quá cao nên HTX không thể tiếp cận để thuê đất”, ông Vũ Huy Hà nói.
Cấp bách thão gỡ khó khăn
Theo tìm hiểu, ở nhiều địa phương hiện nay có tình trạng, người dân bỏ hoang hoang diện tích đất đai không canh tác. Nhưng khi doanh nghiệp, HTX đến thuê để sản xuất nông nghiệp thì “tấc đất thực sự hoá tấc vàng”. Do không tìm được tiếng nói chung, không có sự đồng thuận giữa các bên nên doanh nghiệp, HTX không thể thuê được đất sản xuất, còn đất của người dân lại bỏ hoang, gây lãng phí.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên Môi Trường, theo Luật HTX năm 2012, các HTX được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tiếp cận vốn, đất đai... Những năm qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến chính sách hỗ trợ HTX, đặc biệt là Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 phê duyệt về chính sách hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020; Quyết định 686/QĐ-TTg ngày 11/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện Luật Đất đai năm 2013...
Sản xuất, kinh doanh còn nhỏ lẻ, manh mún khiến nhiều HTX khó áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nên hiệu quả kinh tế còn rất hạn chế (Ảnh: TL) |
Không chỉ vậy, Nghị định 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với HTX nông nghiệp đến hết năm 2020, trong đó HTX thuê đất để sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh được giảm 50% tiền thuê đất, nhưng chỉ đối với các dự án mới còn dự án cũ đều không được giảm.
Theo đó, đối với đất sử dụng vào mục đích SX-KD, trong đó có đất sử dụng vào mục đích SX-KD của HTX được Nhà nước cho thuê đất và được ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất nếu đầu tư vào lĩnh vực ưu đãi đầu tư thuộc địa bàn có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư... Riêng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn được hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh và chế biến sản phẩm...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong giai đoạn 2013 - 2018, cả nước chỉ có 2.044 HTX được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích là 12.676 ha, chỉ chiếm khoảng 14% tổng số HTX nông nghiệp.
Để khắc phục những khó khăn về đất đai, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Thành Thống đề nghị các ngành chức năng, các địa phương chủ động cân đối quỹ đất chung, trong đó quan tâm bổ sung quy hoạch diện tích đất để sử dụng vào mục đích thực hiện các dự án đầu tư phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các HTX
“Cần tập trung tháo gỡ khó khăn bằng những cơ chế đặc thù, giúp các HTX sớm được giao đất, thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó góp phần ổn định và mở rộng sản xuất kinh doanh của mỗi HTX. Về phía Bộ KH&ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai và các quy định của pháp luật liên quan phù hợp với tính chất, quy mô, hình thức hoạt động theo hướng ưu đãi hơn cho các HTX”, ông Võ Thành Thống nói.
Liên minh HTX Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có giải pháp cụ thể để tháo gỡ, qua đó tạo điều kiện để các HTX phát triển cả lượng và chất, góp phần tích cực vào việc thu hút thành viên, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động, đóng góp tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), xây dựng nông thôn mới của cả nước.
Phạm Duy