Cái tên Cambridge Analytica trở nên “hot” hơn bao giờ hết trong thời gian qua, khi có vai trò quan trọng trong bê bối rò rỉ thông tin của hàng triệu người dùng Facebook.
Công ty chuyên khai thác, môi giới và phân tích dữ liệu này sẽ làm thủ tục phá sản vì thua lỗ, sau khi khách hàng đồng loạt bỏ đi và gánh trên vai chi phí pháp lý chồng chất.
Không chịu nổi nhiệt truyền thông
Theo thông tin từ tờ The Wall Street Journal, kể từ ngày 2/5, Cambridge Analytica sẽ ngừng hoạt động ngay lập tức và các nhân viên đã được yêu cầu trả lại máy tính làm việc.
Biển tên công ty này cũng đã được gỡ bỏ ở khu vực tiếp tân tại các văn phòng ở London. Cambridge Analytica khẳng định dù “tình trạng tài chính bấp bênh” nhưng quyết tâm thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ đối với nhân viên.
Trong tuyên bố mới nhất của mình, Cambridge Analytica đổ lỗi cho sức ép truyền thông đã khiến doanh nghiệp này bị khách hàng và đối tác xa lánh, hệ quả là mất khả năng duy trì hoạt động kinh doanh và không còn lối thoát nào khác.
“Vài tháng trở lại đây, Cambridge Analytica trở thành đối tượng bị công kích vô căn cứ và cho dù đã nỗ lực để khắc phục tình hình, chúng tôi vẫn bị bôi nhọ vì các hoạt động không những hợp pháp mà còn được chấp nhận rộng rãi trong quảng cáo trực tuyến ở cả khía cạnh chính trị và thương mại”, thông cáo của công ty cho hay.
Cambridge Analytica được thành lập vào khoảng năm 2013, với trọng tâm ban đầu là các cuộc bầu cử ở Mỹ. Cambridge Analytica tự giới thiệu mình là một công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường, quảng cáo và các dịch vụ liên quan đến dữ liệu khác cho các khách hàng chính trị lẫn doanh nghiệp.
Cambridge Analytica được ban vận động tranh cử của ông Donald Trump thuê phục vụ kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Sau khi ông Trump đắc cử vào nhà Trắng, Giám đốc điều hành Cambridge Analytica Alexander Nix đã tranh thủ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, để quảng bá dịch vụ của mình.
Công ty này tự hào có thể xây dựng cơ sở dữ liệu tâm lý của người tiêu dùng và cử tri - một “bí quyết” để gây ảnh hưởng tới những lá phiếu bầu theo một cách hiệu quả hơn so với các hình thức quảng cáo thông thường.
Cambridge Analytica không tránh khỏi vòng xoáy truyền thông |
Truy trách nhiệm đến cùng
Sau thông báo trên của Cambridge Analytica, cơ quan chức năng của Anh cho biết sẽ vẫn tiếp tục điều tra dân sự và hình sự đối với công ty này, quy trách nhiệm tới từng cá nhân cụ thể, cho dù công ty có đóng cửa đi chăng nữa.
Lần đầu tiên Cambridge Analytica dính vào bê bối là hồi tháng 3 vừa qua, khi cựu nhân viên Christopher Wylie tiết lộ công ty này đã tạo ra hồ sơ tâm lý của hàng chục triệu người dùng Facebook thông qua một ứng dụng dự đoán tính cách.
Thông tin này lập tức tạo nên cú sốc về mức độ bảo mật thông tin cá nhân trên Facebook và khối lượng dữ liệu mà Facebook chia sẻ với các bên thứ ba. Ước tính có tới 87 triệu người dùng có thể đã bị ảnh hưởng từ sự cố này.
Thế là từ đó đến nay, Facebook lao đao, vừa hết lời giải thích, xin lỗi, vừa phải lập tức bổ sung thêm tính năng bảo mật; trong khi nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg phải ra điều trần trước quốc hội Mỹ. Từ Mỹ sang Âu, người ta bắt đầu tiến hành hàng loạt cuộc điều tra chính thức.
Cambridge Analytica đương nhiên không tránh khỏi vòng xoáy truyền thông. Tin xấu bủa vây khiến Cambridge Analytica đình chỉ công tác Giám đốc điều hành Alexander Nix, người bị bắt quả tang đang khoe khoang về việc công ty sẵn sàng hối lộ và sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau để gây ảnh hưởng tới giới chính trị.
Trước đó, vị CEO này còn kể với Bloomberg News rằng mỗi năm, Cambridge Analytica can thiệp vào 10 hoạt động bầu cử Thủ tướng và Tổng thống ở nhiều khu vực khác nhau, như châu Á, châu Phi, châu Âu và Nam Mỹ.
Hải Châu