Mới đây, Wan Hai Lines – một trong những hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã thông qua Wan Hai Lines Pte. Ltd (có trụ sở đặt tại Singapore) hoàn tất mua xong 19,83 triệu cổ phiếu CDN, qua đó sở hữu 20,04% cổ phần của CTCP Cảng Đà Nẵng.
Cảng Đà Nẵng là thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) với tỷ lệ nắm giữ 75% vốn điều lệ. Theo kế hoạch, Vinalines dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu về 65% trong năm 2019 và vẫn sẽ duy trì phần vốn chi phối 65% tại ba cảng biển trọng điểm là cảng Đà Nẵng, Hải Phòng và Sài Gòn.
Cổ phiếu tàu "đắm"
Theo báo cáo mới nhất của Vinalines, trong năm 2018, khối vận tải biển của Vinalines dù chưa cắt lỗ nhưng đã giảm lỗ mạnh đến 80% còn 209 tỷ đồng, doanh thu cũng đã có sự khởi sắc khi tăng 15,5%, sản lượng tăng 24,5% so với kế hoạch, đạt 24,3 triệu tấn, vượt tất cả các chỉ tiêu trong năm đặt ra.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán (TTCK), cổ phiếu của khối ngành này vẫn chưa thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư (NĐT).
Có thể kể đến cổ phiếu VST của CTCP Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) gần đây gần như không có giao dịch và duy trì trong khoảng giá 700 – 900 đồng/cp suốt từ đầu năm 2019 tới nay.
Ngay cả khi Vitranschart vẫn còn là công ty con của Vinalines thì cổ phiếu VST cũng giao dịch "èo uột" tại vùng giá 600 đồng/cp với thanh khoản "mất hút".
Hồi đầu năm 2019, Vinalines đã hoàn tất chuyển nhượng hơn 5,5 triệu cổ phiếu VST, giảm mạnh sở hữu tại Vitranschart từ 58% xuống 48,99%, đồng nghĩa với việc Vitranschart từ công ty con trở thành công ty liên kết của Vinalines.
Kết thúc năm 2018, tất cả các mảng kinh doanh của Vitranschart đều lỗ, dẫn đến khoản lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 255,2 tỷ đồng, nâng số lỗ lũy kế lên hơn 1.500 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 1.000 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2018, Vitranschart có tổng tài sản hơn 1.236 tỷ đồng, giảm gần 16,4% so với đầu năm; trong đó tổng nợ phải trả hơn 2.244 tỷ đồng, tức gấp 1,8 lần tổng tài sản.
Trong khi đó, dù có giao dịch sôi động hơn, nhưng thị giá cổ phiếu VOS của "anh cả" Vosco cũng không mấy tươi sáng khi duy trì mức giá dưới 2.000 đồng/cp trong suốt một năm vừa qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 28/3, VOS đóng cửa tại mức giá 1.580 đồng/cp, khối lượng giao dịch trung bình đạt gần 81.000 đơn vị.
Đáng chú ý, cổ phiếu VOS hiện đang trong diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2018 là con số âm; còn VST hiện đang trong diện hạn chế giao dịch do vốn chủ sở hữu âm tại ngày 31/12/2015.
Tương tự, cổ phiếu NOS của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (OSTS) cũng đang trong diện hạn chế giao dịch tại mức giá 400 đồng/cp, thanh khoản trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt 1.100 đơn vị/phiên; VNA của CTCP Vận tải biển Vinaship do Vinalines sở hữu 51% hiện đang giao dịch tại mức giá 1.000 đồng và cũng bị hạn chế giao dịch.
Hàng loạt cảng biển thuộc Vinalines đang từng bước "lột xác" |
Sức hút cảng "nổi"
Trong khi cổ phiếu của các doanh nghiệp (DN) vận tải thuộc Vinalines gần như trở thành "con ghẻ" của thị trường thì các DN vận hành cảng lại rất thu hút được các NĐT.
Theo đó, để trở thành cổ đông lớn thứ hai sau Vinalines tại Cảng Đà Nẵng, Wan Hai Lines đã phải bỏ ra gần 400 tỷ đồng để mua vào 19,83 triệu cổ phiếu CDN.
Cụ thể, phiên giao dịch ngày 22/3 đã xuất hiện đồng loạt 4 giao dịch thỏa thuận mua cổ phiếu CDN với giá 20.000 đồng/ cp, cao hơn gần 10% so với giá chốt phiên (18.200 đồng/cp).
Cùng ngày, hai cổ đông lớn của Cảng Đà Nẵng là bà Lâm Thị Mai bán toàn bộ 5,85 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 5,91%) và ông Vũ Văn Hải cũng thoái hết 5,7 triệu cổ phiếu (5,76%), bên mua khả năng là Wan Hai Lines.
Trước đó, tại phiên IPO diễn ra hồi tháng 2/2015, cổ phiếu CDN khá "đắt hàng" khi được NĐT săn đón, bán hết 13,2 triệu cổ phần với giá trung bình 15.677 đồng/cp.
Kết thúc năm 2018, Cảng Đà Nẵng ghi nhận gần 695 tỷ đồng doanh thu, tăng 15,6% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế cũng theo đó tăng 12,6% so với năm 2017, lên hơn 148 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vinalines cho biết, ngoài việc tiếp tục phát huy thế mạnh mà Cảng Đà Nẵng đang sở hữu là khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng, về lâu dài, Vinalines sẽ đề xuất đầu tư bến cảng số 1 và số 2 cho dự án cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Đối với Cảng Sài Gòn hiện tại, cầu cảng số 2 và 3 cảng Sài Gòn – Hiệp Phước đã đi vào khai thác với tổng chiều dài 500m; còn lại cầu cảng số 1 (chiều dài 300m) dự kiến sẽ được CTCP cảng Sài Gòn – Hiệp Phước hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý II/2019.
Trên TTCK, từ đầu tháng 3 tới nay, cổ phiếu SGP của CTCP Cảng Sài Gòn giao dịch khá sôi động khi tăng từ mức giá 7.800 đồng lên 9.000 đồng/cp, tương đương tăng 15,4%.
Vinalines cũng sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục để đầu tư hai bến cảng nước sâu có thể tiếp nhận được tàu container trọng tải đến 8.000 TEU tại khu vực Lạch Huyện (thuộc Cảng Hải Phòng).
Tại đây, một hệ thống trung tâm logistics năng động cũng sẽ được hình thành, trở thành trạm trung chuyển quốc tế, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.
Linh Đan