Vietnam Airlines lần thứ 3 lùi thời gian họp ĐHĐCĐ |
Ngày cuối cùng để cổ đông đăng ký tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của Vietnam Airlines vẫn giữ nguyên là ngày 15/6/2020. Đây là lần thứ 3, hãng thông báo thay đổi lịch họp.
Trước đó, Vietnam Airlines công bố ĐHĐCĐ lần đầu vào ngày 29/6, sau đó đổi sang ngày 16/7 và tiếp tục dời thời gian tới 28/7. Nguyên nhân là do “công tác chuẩn bị các nội dung họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 chưa hoàn thành”.
Theo điều 136 Luật Doanh nghiệp, ĐHĐCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Tuy nhiên, theo đề nghị của HĐQT, cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Như vậy, Vietnam Airlines sẽ tổ chức ĐHĐCĐ thường niên muộn hơn 1 tháng so với yêu cầu.
Trong một chia sẻ mới đây, ông Dương Trí Thành – Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết, hãng hàng không quốc gia đang đứng trước tình thế khó khăn do ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19. Dự kiến doanh thu năm 2020 giảm 50.000 tỷ đồng, tương đương một nửa mức thiệt hại chung của toàn ngành hàng không Việt Nam. Lỗ ròng 13.000 tỷ đồng và nguồn tiền có thể hết vào tháng 8.
Cũng theo ông Thành, tính đến tháng 5/2020, dịch Covid-19 đã “đốt” gần 50% (tương đương 190 tỷ USD) giá trị vốn hoá của 115 hãng hàng không niêm yết trên thế giới và ước tính cần 250 tỷ USD từ các Chính phủ để hỗ trợ .
Do đó, Vietnam Airlines đã đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm: khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn 3 năm; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng; trong trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho Vietnam Airlines phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay (giai đoạn 2021 - 2025).
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước cần đối xử công bằng giữa các hãng hàng không, không nên phân biệt cứu hãng bay thuộc sở hữu nhà nước mà bỏ hãng bay tư nhân.
PGS. TS. Ngô Trí Long nhận định: "Nếu chỉ tập trung cứu một hãng hàng không sẽ làm mất lòng tin của công chúng. Các hiệp định thương mại tự do như EVFTA hay CPTPP mà chúng ta ký đều coi trọng sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bất kỳ một thành phần kinh tế nào làm ăn có hiệu quả đều cần được khai thác".
L.Đ