Chào sàn HoSE đầu năm 2010 với vốn điều lệ khiêm tốn 184,5 tỷ đồng, thời gian qua, Coteccons đã tăng vốn khá chậm so với nhiều công ty niêm yết khác. Đến hết tháng 6/2016, vốn điều lệ của công ty này mới đạt 468,5 tỷ đồng. Thế nhưng, cổ phiếu CTD lại gây “sốt” cho nhà đầu tư, cổ đông khi giá cổ phiếu tăng mạnh trên sàn chứng khoán.
Giá cổ phiếu tăng 17,2%
Trong vòng một tháng qua, giá cổ phiếu CTD liên tục xu hướng tăng, từ mức 227.000 đồng/CP phiên ngày 29/8/2016, lên mức cao kỷ lục 266.000 đồng/CP chốt phiên ngày 9/9/2016. Tức CTD đã tăng tới 17,2% thị giá trên sàn, tương ứng giá trị vốn hoá thị trường, Coteccons bỗng dưng tăng thêm tới 1.645 tỷ đồng. Chốt phiên ngày 29/9, cổ phiếu CTD giao dịch ở mức 260.000 đồng/CP, tăng 12.000 đồng/CP so với một tuần trước đó.
Mức giá 260.000 đồng/CP đã cao gấp đôi so với thời điểm chào sàn năm 2010, ở mức 114.000 đồng/CP. Cổ phiếu Coteccons hiện có giá cao nhất sàn chứng khoán Việt Nam, bỏ xa các cổ phiếu khác của công ty ngành xây dựng niêm yết trên HoSE.
Đơn cử: công ty CP Xây dựng và kinh doanh Địa ốc Hoà Bình- HBC giao dịch ở mức 31.200 đồng/CP, vốn hoá đạt 2.947 tỷ đồng. Cổ phiếu công ty CP Đầu tư và xây dựng Tiền Giang- THG có giá 67.000 đồng/CP, vốn hoá 670 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư và tư vấn Hà Long – HID có giá 14.800 đồng/CP…
Nhưng một số cổ phiếu ngành xây dựng khác hiện đã giảm giá mạnh, thậm chí dưới mệnh giá do hoạt động kinh doanh khó khăn, như TDC giao dịch 5.640 đồng/CP.
Về mặt thanh khoản, cổ phiếu CTD có khối lượng giao dịch không cao, chỉ vài trăm nghìn cổ phiếu mỗi phiên, song vẫn cao hơn hẳn cổ phiếu có mức giá “đắt đỏ” khác trên sàn, chỉ khoảng vài nghìn đơn vị khớp lệnh, hoặc thậm chí không có giao dịch.
Giá cổ phiếu CTD tăng tích cực thời gian qua do kết quả doanh thu, lợi nhuận của Coteccons trong nửa đầu năm 2016 tăng trưởng đột biến. Theo báo cáo tài chính quý II/2016, doanh thu thuần hợp nhất tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 8.145 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng 117% so với cùng kỳ năm trước, đạt 731 tỷ đồng.
Tổng lợi nhuận sau thuế TNDN đạt 595,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ đạt 238,8 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 595,4 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu ở mức cao 12.090 đồng/CP.
Được biết, ba năm gần đây, Coteccons đã trúng thầu xây dựng nhiều công trình dự án bất động sản lớn như Vinhomes Thăng Long, Goldmark City, Ecopark…
Đáng chú ý, Coteccons là nhà thầu thi công phần cọc, phần ngầm và phần thân công trình dự án Goldmark City với giá trị 2.000 tỷ đồng. Hiện, dự án này đang ở giai đoạn hoàn thiện, sắp bàn giao nên giá trị thanh toán cho nhà thầu nhiều hơn, đóng góp vào doanh thu nghìn tỷ của Coteccons năm qua.
Tính đến 30/6/2016, giá trị khoản phải thu ngắn hạn từ các khách hàng dự án, doanh nghiệp khác lên tới 2.348 tỷ đồng, nhưng Coteccons phải dự phòng công nợ khó đòi hơn 237,5 tỷ đồng.
Hấp lực từ cổ tức “hậu hĩnh”
Với mức lợi nhuận tăng trưởng cao, ổn định, Coteccons cũng nằm trong số ít công ty niêm yết biết “chiều lòng” cổ đông, nhà đầu tư bằng chính sách cổ tức tiền mặt hấp dẫn.
Năm 2015, công ty đạt doanh thu 13.699 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 666 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 79% và 103%. Do đó, HĐQT đã quyết định mức chia cổ tức lên tới 55% bằng tiền mặt, tương ứng chi ra 260 tỷ đồng trả cho cổ đông.
Ngoài ra, ĐHCĐ thường niên 2016 cũng đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần cho cổ đông với tỷ lệ 3:1 (thực hiện sau khi phát hành cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên).
Trước đó, cổ đông Coteccons cũng rất hoan hỉ khi nhận những khoản tiền cổ tức đều đặn ở mức 20% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2013.
Năm 2014-2015, cổ tức tăng đột biến lên mức 50% và 55%, đều bằng tiền mặt. Chính sách cổ tức hậu hĩnh này khiến nhiều cổ đông của doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng và công ty niêm yết nói chung cũng khao khát. Tổng số tiền chia cổ tức mấy năm qua ước tính khoảng 750 tỷ đồng.
Cổ tức cao, bằng tiền mặt đang có lợi cho những cổ đông lớn, đơn cử: ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT công ty, đã nhận về trên 13 tỷ đồng tiền mặt, cổ đông nước ngoài Kustóhem nắm giữ 22,29% vốn cũng thu hàng trăm tỷ đồng tiền cổ tức nhiều năm qua…
Bên cạnh đó, các cổ đông cũng được nhận thêm nhiều cổ phiếu chia thưởng, cổ phiếu ưu đãi ESOP với tỷ lệ cao… khiến cho giới đầu tư ví von “Conteccons làm ra bao nhiêu lợi nhuận, chia hết bấy nhiêu”.
Ở góc độ nhà đầu tư, các tổ chức đầu tư vào Coteccons thời gian qua đã không thất vọng vì mức độ sinh lời hấp dẫn. Như công ty Kustocem Pte. Ltd đầu tư vào CTD từ năm 2012 khi mua 10,43 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ, giá mua chỉ 50.000 đồng/CP. Sau ba năm, giá trị khoản đầu tư này hiện là 2.712 tỷ đồng, nói đơn giản là Kustocem nếu chốt lời ở thời điểm này sẽ dễ dàng “đút túi” 2.190 tỷ đồng.
Hải Hà