Cụ thể, cổ phiếu ABC tăng 14,81% lên mức 12.400 đồng/cp trong phiên sáng 14/1 trong tình trạng “cháy hàng”. Vốn hóa thị trường của VMG Media vào khoảng 250 tỷ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu MFS tăng 14,88% lên mức 47.100 đồng/cp trong tình trạng trắng bên bán. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 7 tháng kể từ cuối tháng 6 năm ngoái của cổ phiếu này. Vốn hóa thị trường của Mobifone Service cũng theo đó đạt 332 tỷ đồng.
Trước đó, trong phiên 13/1, sau chuỗi giảm đỏ liên tiếp, cổ phiếu MFS bất ngờ tăng kịch trần lên mức 42.500 đồng/cp. Thanh khoản ghi nhận mức đột biến với gần 30,8 tỷ đồng. Khối lượng giao dịch đạt gần 752.000 cổ phiếu, gấp gần 8 lần trung bình một năm qua.
Cổ phiếu MFS tiếp tục tăng trần. |
Thực tế, cổ phiếu MFS đang được giao dịch tương đối sôi động trong hơn 2 tháng trở lại đây. Diễn biến này xuất hiện trong bối cảnh công ty mẹ là Tổng công ty Viễn thông MobiFone mới khai trương mạng 5G vào cuối năm ngoái.
Trước đó, vào tháng 7/2024, MobiFone đã trúng đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện với khối băng tần C3 (3.800 - 3.900 MHz). Với băng tần mới, MobiFone tập trung vào việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để thương mại hóa dịch vụ 5G và gia tăng khối lượng công việc cho MobiFone Service.
Trở lại hiện tại, đà tăng “nóng” của cổ phiếu MFS diễn ra sau thông tin Mobifone dự kiến chuyển về Bộ Công an quản lý theo phương án vừa được Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ.
Mobifone Service thành lập từ tháng 1/2008, tiền thân là CTCP Dịch vụ kỹ thuật và Hạ tầng mạng thông tin di động, kinh doanh các dịch vụ thuộc lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin và chăm sóc khách hàng. Công ty hiện có vốn điều lệ ở mức hơn 70 tỷ đồng. Trong đó, Mobifone là cổ đông lớn nhất khi nắm 2,2 triệu cổ phiếu, tương đương 31,26% vốn.
Mobifone đang trực thuộc quản lý của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC). Tại Báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ của Bộ Nội vụ, tổng công ty dự kiến sẽ được chuyển về Bộ Công an quản lý. Đồng thời, tổ chức Đảng của tổng công ty này cũng sẽ trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương.
Mobifone cùng với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 3 doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin - nội dung số thống lĩnh thị trường dịch vụ di động mặt đất (bao gồm dịch vụ thoại và dịch vụ truy nhập Internet) tại Việt Nam.
Trong khi Mobifone Service là thành viên của Mobifone, VMG Media lại nằm trong hệ sinh thái của VNPT. VMG Media thành lập tháng 2/2006, tiền thân là CTCP Truyền thông Vietnamnet với vốn điều lệ ban đầu 26 tỷ đồng. Đến nay, vốn điều lệ của công ty này đã tăng lên hơn 200 tỷ đồng, trong đó VNPT là cổ đông lớn nhất nắm 28,3%.
VMG Media được biết đến là đơn vị đầu tiên tiên phong rất nhiều lĩnh vực của ngành công nghệ nội dung số ở Việt Nam như kinh doanh dịch vụ SMS cho điện thoại di dộng, game online, truyền hình trực tuyến, nhạc số… Tại Việt Nam, thị trường công nghệ thông tin và dịch vụ viễn thông được định giá 21 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 36 tỷ USD vào năm 2029 với CAGR là 9,1%. Thị trường này đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số ở nhiều nhóm ngành hàng như sức khỏe, giáo dục, tài chính và sản xuất. Riêng với thị trường AI, hãng tư vấn toàn cầu IMARC Group dự báo sẽ tăng lên hơn 2 tỷ USD năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm ở mức 15,8%.
Năm 2025, các mã nhóm công nghệ, viễn thông vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá khả quan, với nhận định công nghệ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025 và kỳ vọng kéo dài trong tương lai.
Chứng khoán KB (KBSV) dẫn báo cáo từ Công ty nghiên cứu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới Gartner cho thấy chi tiêu cho công nghệ thông tin năm 2025 ước đạt hơn 5.700 tỷ USD, tăng 9,3%. Sự tăng trưởng này được đóng góp của 3 phân khúc chính là hệ thống trung tâm dữ liệu, phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin. KBSV nhận định ngành công nghệ thông tin Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài xu hướng đang lên của thế giới.
Về chiến lược phát triển hạ tầng số của Việt Nam, Chính phủ sẽ tập trung xây dựng mạng lưới viễn thông hiện đại, phát triển dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud), và mạng 5G.
Đồng quan điểm với KBSV, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó giám đốc Chiến lược đầu tư, Trưởng bộ phận Phân tích Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cũng duy trì góc nhìn khả quan không chỉ trong năm 2025 mà còn trong trung hạn. Theo ông, sự khác biệt của ngành công nghệ so với các lĩnh vực truyền thống, cho phép khả năng sáng tạo và tạo ra các động lực tăng trưởng mới, ví dụ mảng AI hay robotics. Ngoài ra, chi tiêu cho chuyển đổi số tiếp tục gia tăng và mảng AI, đặc biệt là AI tạo sinh, còn nhiều tiềm năng.
Theo chứng khoán TPS, sự mở rộng của thị trường trong thời gian tới được thúc đẩy bởi các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật và công nghệ chuỗi khối. Kết nối 5G, điện toán biên, biện pháp an ninh mạng, và phân tích dữ liệu là xu hướng chính của ngành công nghệ thông tin và viễn thông trong thời gian tới.
Dù vậy, một số ý kiến đưa ra lưu ý, biến động tỷ giá sẽ là yếu tố rủi ro tiềm tàng trong ngắn hạn với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành công nghệ, viễn thông.
Châu Anh