Tuần giao dịch vừa qua được đánh giá là giai đoạn buồn tẻ nhất kể từ khi chỉ số Vn-Index quay trở lại mốc 900 điểm và điều chỉnh. Đây cũng là tuần điều chỉnh thứ 4 trong xu hướng chung của thị trường tính từ ngày 11/6/2020.
Vn-Index tiếp tục vận động xung quanh khu vực kháng cự quan trọng 860 – 875 điểm với thanh khoản không nổi trội thậm chí áp lực bán ra lại có xu hướng mạnh hơn ở một số phiên cuối tuần. Do đó, Vn-Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh thêm 1-2 tuần tới.
Rủi ro luôn hiện hữu
Xét về các yếu tố kinh tế vĩ mô quý III của Việt Nam có thể khởi sắc hơn so với quý II nhưng chưa thể đạt được mục tiêu “phục hồi giai đoạn hậu Covid-19”. Nguyên nhân là bởi các đối tác lớn trên thế giới vẫn đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Theo đó, khả năng kinh tế của nước ta gần như chỉ trông cậy vào những nỗ lực trong hoạt động đầu tư công, giải ngân các dự án lớn trong nước với kỳ vọng 700.000 tỷ đồng sẽ phần nào đi vào đúng nơi đúng chỗ.
Ngoài ra, còn một số điểm sáng khác là tín hiệu phục hồi từ ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dệt may, da giầy cũng khiến chúng ta tự tin hơn về quý III với tác chỉ tiêu kinh tế được cải thiện.
Cơ hội lướt sóng vẫn tồn tại ở nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ |
Tuy nhiên, thực tế vẫn cho thấy mọi tiến trình đều đang diễn ra khá chậm chạp, sự hồi phục nền kinh tế ở tốc độ nhanh là chưa thể khẳng định. Những lo ngại này đã phần nào phản ánh vào thị trường chứng khoán trong giai đoạn từ giữa tháng 6 đến nay do tâm lý các nhà đầu tư bị tác động, dòng tiền lớn vẫn đứng ngoài thị trường.
Cho dù vẫn có những cổ phiếu bật lên nhờ câu chuyện cổ tức, kết quả kinh doanh quý II hay những doanh nghiệp có câu chuyện riêng như HSG, GTN, SSI...nhưng vẫn không thể xoay chuyển được tình thế khi đại đa số các cổ phiếu khác vẫn đang tích cực điều chỉnh trên cả 3 sàn.
Ngoài ra, việc khối ngoại vẫn tích cực bán ròng trong 2 tuần gần đây khiến thị trường thiếu sự tồn tại của một yếu tố chắc chắn để hồi phục trong ngắn hạn. Đặc biệt, ngày 1/8 tới cũng là thời điểm các doanh nghiệp đại chúng phải đảm bảo Chủ tịch HĐQT không còn kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc sẽ xảy ra tình trạng xáo trộn về lãnh đạo cao cấp cũng là điều cần chú ý.
Nhìn chung, khi một thị trường mà mặt bằng chung của các cổ phiếu đã bật tăng tới hơn 30% chỉ trong vòng 2 tháng thì việc giới đầu tư bắt đầu cẩn trọng ở thời điểm hiện tại là hoàn toàn phù hợp.
Mức tăng đột biến trong thời gian quá ngắn có thể xem là một dạng rủi ro. Như ông trùm quỹ phòng hộ Ray Dalio – nhà sáng lập hãng quản lý tài sản Bridgewater Associates – cho rằng, sai lầm của nhà đầu tư cá nhân là nghĩ rằng một cổ phiếu đã tăng là tốt thay vì đắt hơn.
Cơ hội đầu tư mạo hiểm
Thực tế, vẫn còn một chặng đường dài để Vn-Index trở lại mức điểm số trước khi Covid-19 xuất hiện. Nền kinh tế Việt Nam và khối các doanh nghiệp niêm yết nói riêng phải chứng minh được sức khỏe khi Chính phủ đã làm rất tốt công tác chặn đứng dịch bệnh lây lan. Do đó, cơ hội cho các nhà đầu tư, thậm chí các nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn là vẫn còn.
Trong một báo cáo của SSI Research mới đây các chuyên gia phân tích đã dựa trên danh sách những cổ phiếu mình đang theo dõi đưa ra dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2020 của các công ty niêm yết sẽ giảm 17,2% so với năm trước. Đây là mức giảm đáng kể so với mức tăng trưởng 18,8% trong năm 2019.
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích SSI ước tính tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ phục hồi lên mức 27,7% trong năm 2021. Do đó, thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch với hệ số P/E 2020 và 2021 lần lượt là 15,1 lần và 11,8 lần.
Theo SSI xu hướng thị trường ngắn hạn những nhịp điều chỉnh nhẹ trong tháng sẽ là cơ hội để nhà nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Tuy nhiên, thay vì các cổ phiếu vốn hóa lớn các chuyên gia phân tích cho rằng kỳ vọng đang chuyển dần sang nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ hơn, chủ yếu thuộc lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp, thủy hải sản, chăn nuôi..
Bởi nhóm này ghi nhận kết quả kinh doanh quý II tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ hoặc có tỷ suất cổ tức sắp chi trả cao. Đặc biệt là khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng và 13 tháng tại các ngân hàng lớn tiếp tục giảm.
Một số công ty có vốn hóa nhỏ được nhà đầu tư chú ý đầu tư phải kể đến như CTCP Sonadezi Long Thành (mã: SZL), CTCP Sonadezi Châu Đức (mã: SZC), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã: GVR), CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp Số 2 (mã: D2D), CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC), CTCP Nam Việt (mã: ANV), Thép Nam Kim (NKG), CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Becamex, IJC), CTCP Tập đoàn Container Việt Nam (mã: VSC), CTCP Long Hậu (mã: LHG)…
Ngoài ra một số cổ phiếu ngân hàng, dịch vụ tài chính, dệt may, điện như BID, VPB, SSI, TCM, NT2…cũng được dự báo tích cực trong giai đoạn tới. Ngoài ra, một số ít các cổ phiếu đang có chính sách trả cổ tức tốt cũng là một gợi ý cho những nhà đầu tư ưa thích giao dịch ngắn hạn hay còn gọi là lướt sóng.
Nhìn chung, trong diễn biến thị trường như hiện nay việc chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn là việc dự báo thị trường sẽ đi về đâu nhất là trong bối cảnh nhiều khó khăn vẫn còn hiện hữu.
Linh Đan