Lần đầu tiên, một đề án phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) công bố lấy ý kiến rộng rãi trước khi hoàn thiện để đề xuất Bộ Tài chính xem xét.
Thị trường “èo uột”
Nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp theo hình thức trái phiếu là cấp thiết. Tuy nhiên, thị trường giao dịch TPDN còn manh mún, nhỏ lẻ và rất ít hoạt động so với thị trường phát hành, khiến TPDN đạt khoảng 110.000 tỷ đồng, tương đương 2,5% GDP, trong đó có khoảng 8.000 ty trái phiếu đang niêm yết trên hai sở, so với mức bình quân khu vực ASEAN+3 là 21,7% GDP.
Số liệu thống kê tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy hoạt động giao dịch TPDN tại Sở Giao dịch chứng khoán rất thấp. Nếu như giá trị giao dịch năm 2013 là 4.886 tỷ đồng, thì năm 2014 giảm còn 3.222 tỷ đồng và 2015 là 4.850 tỷ đồng.
Lý giải sự èo uột của thị trường TPDN, bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó Tổng Giám đốc phụ trách HNX, nhìn nhận: “TPDN tại Việt Nam hiện nay được phát hành theo hình thức riêng lẻ, chào bán cho một số NĐT giới hạn, tính minh bạch chưa cao. Trong khi đó, đa phần TPDN được NĐT nắm giữ cho đến khi đáo hạn, nên thị trường thứ cấp hầu như không có giao dịch gây khó khăn cho NĐT”.
Ngoài ra, dù hành lang pháp lý, hệ thống văn bản về niêm yết đã có nhưng chưa đủ rộng và sâu tạo sự thuận lợi cho hoạt động niêm yết, lưu ký và thanh toán giao dịch TPDN…”
Đề án Đề án phát triển thị trường TPDN Việt Nam được kỳ vọng sẽ thoát khỏi cảnh "chợ chiều"
Theo phản ánh của các thành viên thị trường, hiện nay, phía người bán chủ yếu vẫn là một số công ty lớn như: Tập đoàn viễn thông Mobifone, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Vingroup (VIC), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)…
Còn phía người mua, cho đến nay, đại đa số vẫn là các ngân hàng thương mại. Các quỹ đầu tư hiện còn đóng vai trò rất nhỏ. Nhà đầu tư cá nhân hầu như chưa có cơ chế để tiếp cận thị trường TPDN. Điều này tác động không tích cực đến sự phát triển theo chiều sâu, chuyên nghiệp của thị trường TPDN.
Một hạn chế lớn khiến thị trường TPDN Việt Nam luôn trong cảnh “chợ chiều”, theo giới chuyên gia là hiện nay, các nhà đầu tư phải tự phân tích các công ty phát hành theo phương pháp riêng của mình, để nhận biết mức độ an toàn của các loại TPDN. Hiện chưa có tổ chức định hạng tín nhiệm, dẫn đến giao dịch chậm trễ.
Gỡ điểm nghẽn
Liên quan đến khắc phục những “điểm nghẽn” của thị trường TPDN, đại diện HNX cho biết đang lấy ý kiến về dự thảo Đề án phát triển thị trường TPDN Việt Nam và sẽ trình lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Bộ Tài chính vào cuối năm 2016.
Vụ Tài chính Ngân hàng, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành TPDN và Thông tư 211/2012/TT-BTC. Trong đó, quy định minh bạch hóa thông tin phát hành,_ hình thành cơ chế gắn phát hành với lưu ký và đăng ký giao dịch/đăng ký thông tin trên hệ thống giao dịch trái phiếu thứ cấp…
Chính vì vậy, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư số 22 nhằm tránh thất thoát vốn của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi thực hiện giao dịch mua và mua lại TPDN.
Theo bà Lan, Thông tư ra đời phù hợp với thực trạng thị trường TPDN hiện nay, khi các quy định về phát hành và giao dịch TPDN chưa hoàn thiện, thông tin về thị trường còn khan hiếm, rải rác, thiếu tập trung, chưa có các tổ chức đánh giá định mức tín nhiệm độc lập.
“Việc ra đời của Thông tư 22 cũng cho thấy sự quan tâm của NHNN đối với mảng thị trường tiềm năng và đang ngày càng phát triển này”, bà Lan cho hay.
Theo lộ trình HNX đưa ra, thị trường TPDN sẽ được vận hành vào năm 2017. Bởi vậy, việc trước mắt cần phải tạo sự thông thoáng, linh hoạt cho các tổ chức này tham gia đầu tư vào thị trường TPDN.
Đại diện một thành viên thuộc Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) đề xuất: “Cần có hệ thống giải pháp ưu đãi, đặc biệt là về thuế, phí để khuyến khích sự đa dạng của hệ thống nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư cá nhân thông qua tạo điều kiện cho các tổ chức bảo lãnh phát hành mua TPDN trên thị trường sơ cấp để phân phối lại cho các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư cá nhân”.
Các thành viên thị trường kỳ vọng, khi đề án này được thực thi sẽ giúp thị trường TPDN dần thoát khỏi tình cảnh “chợ chiều” kéo dài suốt nhiều năm.
Thành Vinh