Thua lỗ giảm gần 38%, Vietnam Airlines thoát cảnh âm vốn. (Ảnh: Int) |
Theo báo cáo, doanh thu tài chính tăng vọt từ 132 tỷ trong quý III năm ngoái lên 560 tỷ đồng quý vừa qua. Tuy nhiên, chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều đi lên, do đó Vietnam Airlines lỗ sau thuế 3.531 tỷ đồng, tăng 17% so với số lỗ cùng kỳ năm ngoái. Nếu so với quý I và II năm nay, khoản lỗ của quý III đã giảm đi đáng kể.
Trước đó, trong tháng 9, Vietnam Airlines đã chào bán 796 triệu cổ phiếu HVN cho cổ đông hiện hữu với giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, thu về 7.961 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ đông Nhà nước đã rót xấp xỉ 6.900 tỷ đồng, tương đương 86,6% số vốn mà Vietnam Airlines tăng thêm, nhờ đó Vietnam Airlines đã thoát cảnh âm vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9/2021. Tuy nhiên tỷ lệ đòn bẩy tài chính của tổng công ty vẫn rất lớn và bộ đệm vốn khá mỏng. Nếu quý IV thua lỗ từ khoảng 1.500 tỷ trở lên, Vietnam Airlines sẽ lại âm vốn chủ như thời điểm cuối quý II.
Theo Vietnam Airlines, dịch COVID-19 bùng phát đợt 4 đúng vào thời gian cao điểm hè đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động hàng không. Doanh thu cung cấp dịch vụ của công ty mẹ giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh thu nội địa sụt 96,5%, quốc tế giảm 71% và doanh thu thuê chuyến (charter) mất 21%. Đồng thời, lợi nhuận của nhiều công ty con cũng sa sút nên kết quả kinh doanh hợp nhất kém khả quan.
Mới đây, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo để trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1/1 đến 31/12/2022 là 1.500 đồng/lít, giảm 50% so với biểu thuế bảo vệ môi trường tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.
Hiện tại, các chuyến bay thương mại thường lệ đã dần được nối lại từ tháng 10, cùng với đó nếu dự thảo được phê duyệt, Vietnam Airlines tin tưởng hoạt động hàng không sẽ từng bước ổn định và phục hồi trong thời gian tới.
Trên thị trường chứng khoán, tuần qua, cổ phiếu HVN vẫn ghi nhận đang giao dịch khả quan, chốt phiên cuối tuần ngày 26/11 là 23.850 đồng/cp.
H.Giang