Cổ phiếu HVN từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 3/11. |
Mới đây, trong báo cáo tài chính soát xét HVN vừa công bố, kiểm toán đã đặt nghi vấn về khả năng hoạt động liên tục của công ty. Hiện HVN đã âm vốn chủ sở hữu và lỗ lũy kế, ngoài ra nợ ngắn hạn của HVN tại ngày 30/6 đã vượt quá tài sản ngắn hạn tới 34.664 tỷ đồng, các khoản phải trả quá hạn lên tới 14.805 tỷ và lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục âm 724 tỷ.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, HVN ghi nhận lỗ ròng 8.458 tỷ đồng, đồng thời lỗ lũy kế tính tới cuối tháng 6 là 17.808 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp.
Theo kiểm toán, khả năng hoạt động liên tục của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ về tài chính của Chính phủ Việt Nam và việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng, các khoản phải trả cho các nhà cung cấp và cho thuê cũng như diễn biến của dịch Covid-19.
Trước đó, từ đầu năm, HVN đã tăng vốn điều lệ thêm 7.961 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để giải quyết tình trạng âm vốn. Bên cạnh đó, trong gói "giải cứu" 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, Vietnam Airlines đã tiếp cận được khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ từ Ngân hàng Nhà nước thông qua SeABank, SHB, MSB và gần 7.000 tỷ đồng từ phương án phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Ngoài ra, HVN cũng lên kế hoạch bán 11 tàu bay A321 sản xuất năm 2004 và 2007-2008 và lùi thời gian nhận tàu bay mới.
Trên thị trường chứng khoán, trước thông tin mở cửa hàng không hiện đang điều chỉnh, cổ phiếu HVN đã có đợt tăng mạnh. Tuy nhiên, chốt phiên ngày 27/10, trong khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử thì cổ phiếu HVN vẫn giảm 0,58% còn 25.650 đồng/cp. Song, nhờ đà tăng tích cực trong tháng 9, HVN vẫn đạt được mức tăng hơn 36% tính trong một quý giao dịch trở lại đây. Hiện, cổ phiếu HVN đang tiếp tục điều chỉnh quanh giá 25.000 đồng/cp trước.
H.Giang