Theo đó, lượng cổ phiếu mà Kinh Bắc sẽ phát hành trong đợt này là 100 triệu cổ phiếu, tương ứng với 21,3% tổng số cổ phiếu đang lưu hành với giá 34.096 đồng/cp cho 8 nhà đầu tư (3 tổ chức, 5 cá nhân). Mức giá này được xác định bằng 85% giá đóng cửa bình quân của 30 phiên giao dịch liền trước ngày 27/9.
Trên thị trường chứng khoán, tính đến phiên giao dịch ngày 28/9, thị giá cổ phiếu KBC đang đứng ở 44.150 đồng/cp. Như vậy, giá chào bán riêng lẻ đang thấp hơn gần 23%, bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.
Giảm sức hấp dẫn cổ phiếu
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tiếp thăng hoa, ghi nhận nhiều kỷ lục mới, kể từ đầu năm 2021 đến nay nhiều doanh nghiệp đã “tranh thủ” thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ nhằm huy động vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh.
Có thể kể đến, hồi cuối tháng 5 CTCP Sản xuất kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex, mã: GIL) cũng công bố kế hoạch phát hành 16,8 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư với giá chào bán riêng lẻ là 35.000 đồng/cp, so với thị giá của GIL thời điểm đó thì giá phát hành thấp hơn 44%.
Việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược có thể gây ra xung đột lợi ích với các cổ đông nhỏ. |
Tương tự, Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã: DIG), CTCP Đầu tư Phát triển Công nghiệp và Vận tải (mã: TCD), CTCP Xây dựng FLC Faros (mã: ROS), CTCP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (mã: TIG)… cũng đã cho biết những kế hoạch huy động vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tất nhiên, thị giá phát hành đều thấp hơn so với giá thị trường trung bình hơn 30%.
Hiện nay, có hai hình thức tăng vốn không ảnh hưởng đến giá tham chiếu của cổ phiếu trên sàn là phát hành trái phiếu chuyển đổi cho chủ nợ để huy động vốn và doanh nghiệp phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Trường hợp doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với giá cao hơn giá thị trường, nhà đầu tư trên sàn sẽ hưởng lợi vì doanh nghiệp huy động được vốn với thặng dư vốn cổ phần lớn.
Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp phát hành riêng lẻ cho nhóm nhà đầu tư với giá chiết khấu ở mức cao so với thị giá trên sàn, trong khi thời gian hạn chế chuyển nhượng ngắn 1-3 năm (thường là 1 năm) có thể tác động không nhỏ tới thị giá cổ phiếu trên sàn, ít nhất là ở khía cạnh định giá cổ phiếu theo P/E.
Việc bổ sung vốn từ phát hành riêng lẻ trong ngắn hạn khó có thể giúp lợi nhuận tăng trưởng nhanh, nhưng số cổ phiếu lưu hành tăng dẫn tới EPS giảm, kéo theo định giá P/E tăng lên, khiến cổ phiếu kém hấp dẫn về định giá so với các doanh nghiệp khác trong ngành.
Trong thời gian gần đây, cổ phiếu KBC luôn được các chuyên gia phân tích, công ty chứng khoán đánh giá cao tại mỗi báo cáo phát đi. Tuy nhiên, mới đây Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) dù vẫn duy trì khuyến nghị mua đối với KBC nhưng đã điều chỉnh giảm 1% giá mục tiêu dựa trên RNAV (giá trị tài sản ròng) xuống 48.000 đồng/cp.
Lý giải nguyên nhân điều chỉnh giá mục tiêu của KBC, VCSC cho biết do phản ánh pha loãng của việc phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu sắp tới.
Nguy cơ xung đột lợi ích
Bên cạnh việc làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu trên sàn, việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp so với thị giá sẽ đẩy rủi ro cho nhóm cổ đông/nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ bởi khả năng tiếp cận thông tin về doanh nghiệp hạn chế hơn ban lãnh đạo, cổ đông nội bộ.
Ngoài ra, sau mỗi đợt phát hành thêm, cổ đông của hầu hết các doanh nghiệp này đều phải chứng kiến đà đi xuống của giá cổ phiếu. Trường hợp của cổ phiếu DXG (Đất Xanh Group) hay GIL đã giảm sàn liên tiếp là một điển hình cho thực tế này.
Bên cạnh đó, thời gian hạn chế chuyển nhượng ngắn dẫn đến đối tác chiến lược hoặc cổ đông lớn dễ dàng bán ra cổ phiếu chốt lời. Dù thị giá cổ phiếu giảm, họ vẫn có cơ hội thu lời do mua cổ phiếu với giá thấp. Trường hợp thị giá cổ phiếu tăng, mức lãi của họ càng lớn.
Có thể kể đến câu chuyện phát hành 25 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho 5 cổ đông với giá 10.000 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm của CTCP Sản xuất kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (mã: AMV) để tăng vốn điều lệ từ 21,2 tỷ đồng lên 271,2 tỷ đồng.
Kể từ thời điểm có thể chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn tại AMV liên tục bán ra cổ phiếu. Tính đến ngày 31/12/2019, không còn ai trong số 5 cổ đông mua cổ phiếu trong đợt phát hành năm 2017 sở hữu trên 5% vốn tại đây. Ước tính, với giá mua 10.000 đồng/cp và giá bán ra trên ngưỡng 21.000 đồng/cp, nhóm cổ đông lớn lãi tối thiểu 110% trong hơn 2,5 năm.
Theo nhận định của giám đốc môi giới một công ty chứng khoán, đa số các trường hợp phát hành riêng lẻ có giá thấp hơn nhiều so với thị giá của cổ phiếu đều có 2 mục tiêu chính. Một là, lãnh đạo doanh nghiệp (đứng đằng sau các công ty, cá nhân được mua phát hành riêng lẻ) muốn tăng tỷ lệ sở hữu. Hai là, muốn thu lợi ích không chính đáng thì thời gian hạn chế chuyển nhượng không quá quan trọng, bởi bản chất đây là “một dạng rút tiền của cổ đông”.
Thực tế, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược là hình thức rất nhạy cảm. Theo các chuyên gia có vài điều cần lưu ý với hình thức này như giá trị mà cổ đông chiến lược mang lại là gì? Điều kiện nắm giữ cũng nên khắt khe với thời gian hạn chế chuyển nhượng dài hơn.
Bên cạnh đó, giá phát hành có công bằng cho cổ đông khác hay không? Thông thường, nên thấp hơn 10-15% so với thị giá là hợp lý. Số lượng phát hành chiến lược rất quan trọng, chỉ nên tối đa 15% số lượng cổ phiếu lưu hành.
Minh Khuê