Khi nhắc đến cổ phiếu ITA của CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Itaco) và KBC của Tổng công ty phát triển đô thị Kinh Bắc là phải nhắc đến 2 chị em "đại gia" Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thành Tâm - những người tiên phong làm khu công nghiệp tại Việt Nam từ những năm 2002.
Sự tiên phong này đã đưa Tân Tạo và Kinh Bắc lên đỉnh hoàng kim vào những năm 2006-2007 khi có thể thu hàng nghìn tỷ đồng tiền mặt từ các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, sự thành công quá lớn và tâm lý “không bỏ qua mâm nào” đã khiến họ mở rộng hệ sinh thái sang bất động sản dân sinh, nhà máy điện, thậm chí cả viễn thông… và thất bại, đẩy cả 2 doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính.
Trở lại... chính mình
Còn nhớ, trong một lần phát biểu với báo giới, ông Đặng Thành Tâm – Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc đã từng phải thốt lên rằng “ước gì tôi đừng làm như thế!”.
Vẫn còn nhiều yếu tố thiếu chắc chắn trong nội tại của các doanh nghiệp nhà họ Đặng. |
Cùng với Tân Tạo và Kinh Bắc, cổ phiếu ITA và HBC cũng dập dềnh trong cơn suy kiệt từ nền tảng của chính họ. ITA từ một mã cổ phiếu có mức giá 120.000 đồng/cp lao dốc xuống chỉ còn dao động quanh mức 2.200 đồng/cp; cổ phiếu KBC suy giảm mạnh từ gần 200.000 đồng/cp xuống giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/cp (giai đoạn năm 2013), sau đó có hồi phục trở lại nhưng chỉ dao động trong vùng giá dưới 17.000 đồng/cp (giai đoạn 2014 đến gần cuối năm 2020).
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của những năm về trước. Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 tại Vũ Hán (Trung Quốc) cùng với căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đã tạo nên làn sóng dịch chuyển sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài sang Việt Nam, được xem là “thiên thời, địa lợi” cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, trong đó có cả Kinh Bắc và Tân Tạo.
Kể từ đầu tháng 12/2020 đến nay, KBC bất ngờ tăng vọt từ vùng giá 16.000 đồng/cp lên 40.000 đồng/cp, tương đương mức tăng 150%. ITA còn bắt đầu sớm hơn khi tăng trưởng mạnh từ tháng 4/2020, trong vòng một năm qua đã “tạm” ghi nhận cho mình thêm hơn 320% giá trị từ mức giá 1.900 đồng/cp lên 8.000 đồng/cp.
Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 của Kinh Bắc, ông Đặng Thành Tâm đã có những chia sẻ: sau một thời gian rất dài chìm trong khó khăn, doanh nghiệp sẽ trở về với chính mình. Chưa bao giờ Kinh Bắc được chào đón nhiều như hiện nay, được các tỉnh mời gọi đầu tư và không cần phải đi tìm quỹ đất để phát triển nữa.
“Ai bỏ Kinh Bắc sẽ phải ân hận. Năm nay, cổ đông sẽ chứng kiến nhiều điều bất hủ”, ông Tâm kết luận.
Không chịu kém cạnh người em, bà Đặng Thị Hoàng Yến cũng vừa đưa ra một thông điệp cho cổ đông về phương án cải tổ theo hướng tích cực chính là quay lại xuất phát điểm của doanh nghiệp là khu công nghiệp, thoái vốn khỏi những mảng kinh doanh không trọng yếu, tập trung tăng trưởng hạ tầng ở những “miếng bánh” tiềm năng như khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 2, dự án Ecity Tân Đức…
Có thực chất?
Nhìn vào kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới của hai doanh nhân họ Đặng cho thấy sự quyết tâm “tìm lại chính mình” đã được đẩy lên cao độ, tận dụng tối đa “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tuy nhiên, giữa mong muốn và thực tế lại là cả một quá trình không đơn giản.
Theo nhận định của Công ty chứng khoán ABS, các khoản đầu tư và công nợ phải thu liên quan đến dự án Nhiệt điện Kiên Lương có giá trị hàng nghìn tỷ đồng của những năm trước đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó thu hồi, khả năng mất vốn cao và có thể cản trở huy động vốn trong tương lai.
Ngoài ra, ABS cũng cho rằng, trước sức nóng của mảng khu công nghiệp, cạnh tranh trở nên khó khăn hơn cho Tân Tạo khi nhiều dự án mới được cung cấp ra thị trường tại 2 tỉnh, thành chiến lược là Long An và TP.HCM.
Việc chậm triển khai các dự án giai đoạn mới cũng khiến Tân Tạo kém hấp dẫn hơn đối với các chủ đầu tư mới ngay cả khi nhu cầu sản xuất công nghiệp đang gia tăng, đồng thời cản trở việc tận dụng giá thuê trên thị trường khu công nghiệp đang được cải thiện.
Điều này thể hiện rất rõ ở kết quả kinh doanh năm 2020 của Tân Tạo khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm. Nếu đạt được mức tăng trưởng như trong kế hoạch năm 2021 (doanh thu tăng 40% và lợi nhuận đi ngang), doanh thu của tập đoàn này vẫn chưa thể phục hồi về mức trước dịch (năm 2019), thậm chí còn thấp hơn tới 30%.
Thêm vào đó, do đã ghi nhận 100% doanh thu cho toàn bộ thời gian cho thuê tại phần mở rộng của 2 dự án Khu công nghiệp Tân Tạo và Tân Đức, nên Tân Tạo sẽ không ghi nhận thêm các khoản thu liên quan đến 2 dự án này cho đến hết thời hạn thuê.
Ngoài ra, Tân Tạo cũng phải đối mặt với một số rủi ro về tình hình tài chính với lượng tiền mặt quá ít ỏi chỉ chiếm 0,6% tổng tài sản, trong khi tồn kho lại thường xuyên duy trì ở mức cao khoảng 1/3 tổng tài sản và có tốc độ giải phóng rất thấp trong nhiều năm.
Đáng chú ý, Tân Tạo cũng "bỏ quên" hoạt động trả cổ tức cho cổ đông từ cuối năm 2013. Ngoài ra, cổ phiếu ITA còn chịu hiệu ứng pha loãng trong giai đoạn 2014-2016 bất chấp kết quả kinh doanh không tăng tương xứng.
Còn đối với Kinh Bắc, kết quả kinh doanh năm 2020 cũng không mấy tươi sáng đến từ việc công ty thiếu đất sẵn sàng cho thuê (do công tác đền bù chậm), giá bán khu đô thị Tràng Duệ kém hơn kỳ vọng, hồ sơ thủ tục cho khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh vẫn chưa hoàn thiện. Mặt khác, các chi phí tài chính, quản lý neo ở mức cao trong khi doanh thu rất khiêm tốn.
Hồi đầu năm 2021 , Công ty chứng khoán VNDirect (VNDiect) đã cập nhật báo cáo đánh giá cổ phiếu KBC, dù vẫn đánh giá lạc quan với mã cổ phiếu này, nhưng cho rằng yếu tố tích cực của doanh nghiệp đã được phản ánh vào giá.
Do đó, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ lưỡng về điều gì thực sự thúc đẩy cổ phiếu này để tránh rơi vào vòng xoáy “tăng sốc - giảm sâu” từng không ít lần xảy ra trong quá khứ.
Minh Khuê