Kinh Bắc muốn vay lại toàn bộ phần vốn góp tại CTCP Tập đoàn Đầu tư và Phát triển Hưng Yên. |
Đây là khoản vay tín chấp và lãi suất theo thỏa thuận tại từng hợp đồng vay, tiền lãi thanh toán 1 lần khi tất toán các khoản vay.
Hạn mức khoản vay là 1.080 tỷ đồng, có thể giải ngân nhiều lần tương ứng với từng hợp đồng vay vốn cụ thể cho đến khi giải ngân hết hạn mức. Thời hạn khoản vay tối đa là 2 năm kể từ khi ban hành nghị quyết. Tuy nhiên, khoản vay này cũng có thể được tất toán trước hạn, đúng hạn hoặc gia hạn thời gian bằng văn bản.
Đáng chú ý, khoản vay kể trên đúng bằng số vốn mà Kinh Bắc đã góp vào Phát triển Hưng Yên khi tiến hành thành lập doanh nghiệp này vào giữa tháng 2 vừa qua.
Cụ thể, Phát triển Hưng Yên có vốn điều lệ 1.800 tỷ, trong đó, Kinh Bắc góp 1.080 tỷ và nắm 60% vốn. Hai cổ đông khác tại Phát triển Hưng Yên cũng đều là những doanh nghiệp có liên quan tới nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp này, bao gồm CTCP Khu công nghiệp Sài Gòn Hải Phòng (Kinh Bắc nắm 86,5%) góp 180 tỷ (10%) và CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn - Saigontel (mã: SGT, Kinh Bắc nắm 21,5%) góp 540 tỷ đồng còn lại, tương đương 30% vốn.
Phát triển Hưng Yên là một trong những doanh nghiệp được Kinh Bắc thành lập để quản lý dự án tại các tỉnh, thành phố nhằm gia tăng quỹ đất. Trong đó, công ty này phụ trách hoạt động đầu tư tại quần thể dự án Công nghiệp - Đô thị lớn Hưng Yên.
Trước đó, ngày 6/5, HĐQT Saigontel đã thông qua kế hoạch vay vốn của Phát triển Hưng Yên, số tiền vay là 540 tỷ đồng, cũng đúng bằng số vốn đã góp. Ở khoản vay này, lãi suất được công bố chỉ với 1%/năm, thời hạn vay là 2 năm kể từ ngày giải ngân, tương tự khoản vay của Kinh Bắc đã nêu ở trên.
Về kết quả kinh doanh, kết thúc quý I/2021, Kinh Bắc kinh doanh lãi lớn với khoản doanh thu tăng 257% đạt 2.001 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 714 tỷ đồng, tăng 659%. Tuy nhiên, cùng với khoản lãi gia tăng nhờ doanh thu từ cho thuê đất và chuyển nhượng bất động sản tăng mạnh, nợ phải trả cũng phình to hơn.
Tính đến ngày 31/3, nợ phải trả của Kinh Bắc là 13.911 tỷ đồng, tăng thêm gần 800 tỷ so với cuối năm 2020 và tăng gần gấp 2 lần so với quý I/2020.
Trong đó, riêng vay nợ tài chính 6.045 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số đầu năm, chiếm 24% tổng nguồn vốn.
Để vay được ngân hàng, Kinh Bắc cũng phải mang hàng loạt dự án cầm cố, làm tài sản thế chấp như toàn bộ dự án Tràng Cát, Nhà xưởng nhà văn phòng gắn liền với đất tại khu công nghiệp Quế Võ và khu công nghiệp Quang Châu, hàng trăm ha tại các khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh, Khu đô thị Phúc Ninh…
Tính tới 31/3/2021, tổng tài sản của Kinh Bắc tăng 6,3% so với đầu năm lên 25.279,4 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là tồn kho đạt 11.201 tỷ đồng, chiếm 44,3% tổng tài sản; khoản phải thu ngắn hạn đạt 8.643,2 tỷ đồng, chiếm 34,2% tổng tài sản, tăng 30,2% so với đầu năm.
Chính khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh đã dẫn đến dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm trong kỳ. Cụ thể, tính đến ngày 31/3, Kinh Bắc âm dòng tiền kinh doanh 235,3 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với đầu năm.
Trong kỳ, doanh nghiệp cũng tăng vay nợ với khoản nhận thêm từ vay ngắn hạn, dài hạn là 522 tỷ đồng, tăng 123% so với cuối năm 2020. Trước đó, năm 2020, dòng tiền hoạt động kinh doanh chính của công ty cũng âm tới 2.913 tỷ đồng, nguyên nhân chính là việc tăng tồn kho và khoản phải thu ngắn hạn.
Mới đây, nhóm cổ đông liên quan tới quỹ ngoại Dragon Capital đã bán ra hơn 2,5 triệu cổ phiếu KBC, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,12% xuống 7,57% vốn. Đợt thoái vốn này được thực hiện trong ngày 10/5.
Trong đó, quỹ Vietnam Enterprise Investments Limited bán ra 2 triệu cổ phiếu và quỹ Norges Bank bán ra hơn 560.000 cổ phiếu.
Tạm tính theo thị giá kết phiên 10/5 là 35.800 đồng/cp, các cổ đông nêu trên thu về xấp xỉ 90 tỷ đồng. Trước đó, nhóm quỹ Dragon Capital từng bán ra hơn 4,3 triệu cổ phiếu KBC vào ngày 26/3.
M.Khuê