Tuần qua (1-5/8), thị trường sôi động trở lại nhờ sự luân phiên dẫn dắt của các nhóm ngành quan trọng. Nổi bật nhất là nhóm cổ phiếu chứng khoán khi có tới 3 mã nằm trong Top 10 cổ phiếu tăng giá trên sàn HoSE.
Hồi phục trên 50% từ đáy
Đơn cử như cổ phiếu TVB của Chứng khoán Trí Việt (+24,7%), APG của Chứng khoán APG (+ 24%) và CTS của Chứng khoán Vietinbank (+1,9%).
Mặc dù không phải là nhóm cổ phiếu có vai trò lớn trong việc tạo điểm số cho VN-Index, nhưng xét về tổng thể, cổ phiếu chứng khoán lại là nhóm có tác dụng kích thích tâm lý rất lớn. |
Bên cạnh đó có thể kể đến nhiều cổ phiếu có mức tăng trên 10% như: VCI (Chứng khoán bản Việt), MBS (Chứng khoán MB), SHS (Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội), FTS (Chứng khoán FPT), AGR (Chứng khoán Agribank), PSI (Chứng khoán dầu khí), VIG (Chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam)...
Ngoài ra, một số cái tên điển hình nhất trong việc thu hút được lượng tiền mạnh vượt trội hơn hẳn như: VND (Chứng khoán VNDirect), SSI (Chứng khoán SSI), VIX (Chứng khoán VIX), SBS (Chứng khoán SBS)... Trong đó, SSI và VND là cặp đôi thường xuyên nằm trong top thanh khoản toàn thị trường. Riêng cổ phiếu SSI được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị giao dịch đạt 592 tỷ đồng, tập trung hoàn toàn tại kênh khớp lệnh.
Như vậy, sau khi chạm đáy từ khoảng giữa tháng 6 vừa qua, hiện tại nhiều cổ phiếu chứng khoán đã ghi nhận mức hồi phục trên 50%. Điển hình như VDS của Chứng khoán Rồng Việt (+88%), SHS (+64%), SSI (+50%), HCM của Chứng khoán TP HCM (+67%), VCI (+58%), MBS (+72%). Nhiều cổ phiếu nhỏ như VIG, HBS (Chứng khoán Hòa Bình), AGR… cũng ghi nhận mức tăng từ 30-50% trong hơn một tháng qua.
Có thể thấy, giao dịch của nhóm cổ phiếu chứng khoán bắt đầu nhen nhóm trở lại ngay từ khi có thông tin về quy chế thanh toán bù trừ mới T+1,5 dự kiến áp dụng từ cuối tháng 8. Khi đó, chu kỳ thanh toán được rút ngắn nửa ngày sẽ giúp vòng quay giao dịch của nhà đầu tư tăng lên.
Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư sẽ trả phí giao dịch nhiều lần hơn nếu mua bán thường xuyên, từ đó các công ty chứng khoán có thể được hưởng lợi ít nhiều từ hoạt động thu phí.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu này phần lớn đã được chiết khấu sâu về mức giá vô cùng hấp dẫn khi thị giá của hàng loạt cổ phiếu đã mất quá nửa, thậm chí có những mã chỉ còn 1/3 so với đỉnh đã khiến nhóm cổ phiếu này dễ dàng hút tiền hơn nên càng phục hồi nhanh chóng.
Mối quan hệ tương hỗ với thị trường
Không dừng lại ở đó, việc nhóm cổ phiếu chứng khoán hoạt động tích cực trở lại cho thấy tín hiệu tốt về thị trường chung, bởi đây là nhóm có độ nhạy khá cao với diễn biến của thị trường. Mặc dù không phải là nhóm cổ phiếu có vai trò lớn trong việc tạo điểm số cho VN-Index, nhưng xét về tổng thể, cổ phiếu chứng khoán lại là nhóm có tác dụng kích thích tâm lý rất lớn. Hầu hết không một "sóng" tăng của thị trường nào thiếu nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngược lại.
Thực tế, trong tháng 7 vừa qua, thị trường giao dịch vẫn khá là buồn tẻ với thanh khoản xuống đáy, nhưng riêng cổ phiếu chứng khoán lại là nhóm duy nhất có sự cải thiện về mặt thanh khoản với mức tăng 9% so với tháng trước đó.
Sang đến tuần đầu tháng 8, nhóm chứng khoán tiếp tục trở nên sôi động hơn nữa với khối lượng giao dịch tăng vọt so với giai đoạn trước, khi những thông điệp về khả năng giảm tốc độ siết chặt tiền tệ giúp tâm lý nhà đầu tư được “nhẹ gánh”. Hiệu ứng từ nhóm chứng khoán bắt đầu được lan tỏa rộng hơn giúp thanh khoản thị trường cũng có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Khép lại tuần giao dịch sôi động (1-5/8), VN-Index tăng 3,85% lên hơn 1.250 điểm với giá trị khớp lệnh bình quân trên HoSE đạt gần 15.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 45% so với tháng trước đó.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trong quá trình tăng trưởng và sẽ hỗ trợ tích cực tới thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới. Hệ thống KRX mới dự kiến sẽ vận hành trong thời gian ngắn sắp tới sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển lâu dài của thị trường. Việc giảm thời gian thanh toán bù trừ xuống T+1,5 dự kiến từ cuối tháng 8 này cũng có thể hỗ trợ thanh khoản thị trường. Hiện số tài khoản chứng khoán mới chỉ chiếm hơn 6% dân số, vẫn là mức thấp nếu so với các thị trường đã phát triển như Đài Loan hay Hồng Kông. Khi số lượng tài khoản tăng lên, nhu cầu giao dịch cũng sẽ có xu hướng tăng và hỗ trợ thanh khoản thị trường.
Do đó, “thời gian tới hoàn toàn có thể trông đợi vào các phiên có giá trị tỷ đô”, ông Khoa nhận định.
Như vậy, nếu thanh khoản tiếp tục được duy trì và thậm chí tăng mạnh, kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán trong thời gian tới rất có thể sẽ “sáng” hơn hẳn so với quý II vừa qua.
Ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường đang có dấu hiệu phục hồi vững chắc với thanh khoản gia tăng mạnh trong các phiên gần đây. Mặc dù đã có sự phục hồi mạnh mẽ kể từ đáy, nhưng động lực tăng của cổ phiếu chứng khoán vẫn còn.
Bởi việc thị trường chứng khoán đi lên kéo theo sự gia tăng của khối lượng giao dịch sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nghiệp vụ kinh doanh của các công ty chứng khoán gia tăng doanh thu bao gồm môi giới, hoạt động cho vay margin. Hoạt động tự doanh nhiều khả năng cũng khả quan hơn khi thị trường có nhịp phục hồi. Một số công ty chứng khoán bị lỗ tự doanh trong quý II/2022 có khả năng sẽ được trích lập dự phòng đáng kể.
“Dư địa tăng trưởng của các nhóm cổ phiếu chứng khoán trong nửa cuối năm nay vẫn còn, nhà đầu tư có thể tích luỹ các cổ phiếu này ở các nhịp điều chỉnh”, ông Khoa khuyến nghị.
Tuy nhiên, cũng cần phải nhắc lại, do nhóm cổ phiếu chứng khoán rất nhạy với diễn biến thị trường chung, cho nên nhà đầu tư tham gia chú ý theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước.
Hải Giang