Kết phiên 3/8, VN-Index tiếp tục tăng 8,14 điểm (+ 0,66%) lên 1.249,76 điểm. Đáng chú ý, dòng tiền tiếp tục là động lực giúp chỉ số chính có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, bất chấp áp lực bán ra từ phía nắm giữ.
Thanh khoản liên tục tạo ấn tượng
Nhận định về phiên 3/8, một chuyên viên tư vấn Chứng khoán VPS nêu quan điểm: “Vẫn là câu chuyện đầu phiên nhúng đỏ, cuối phiên sáng kéo xanh. Đây là một dạng vận động thường thấy trong xu hướng tăng của thị trường”.
Thanh khoản liên tục tạo ấn tượng mang tới kỳ vọng về xu hướng tăng của thị trường. |
Theo quan sát của VnBusiness, ngay từ 2 phiên cuối tuần trước (28 và 29/7), dòng tiền bắt đáy đã bắt đầu đổ mạnh vào thị trường, giúp thanh khoản ghi nhận sự cải thiện, mang tới kỳ vọng dòng tiền đã sẵn sàng quay lại thị trường.
Nối tiếp đà tăng, phiên đầu tuần này (1/8), tổng giá trị khớp lệnh toàn thị trường đạt 17.489,8 tỷ đồng, tăng 17,8% so với phiên trước. Việc cổ phiếu vốn hóa lớn được dòng tiền tìm đến là một trong những yếu tố tích cực nhất cho thấy thanh khoản đang hồi phục.
Sang phiên 2/8, thị trường chứng khoán ghi nhận một phiên giao dịch giằng co rồi kết thúc đầy bất ngờ. VN-Index đóng cửa cao nhất phiên nhờ thanh khoản cải thiện tích cực. Tổng giao dịch (tính cả thỏa thuận) 3 sàn vượt 20.000 tỷ đồng, tăng 7% so với phiên trước và độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, thậm chí các cổ phiếu đang bị xả vẫn được hấp thụ tốt và giá đảo chiều. Đây cũng là mức giao dịch tốt nhất kể từ giữa tháng 6/2022. Dòng tiền bắt đầu lan tỏa dần sang nhóm cổ phiếu penny.
Nhìn chung, thanh khoản vẫn là vướng mắc nhất của nhà đầu tư trong thời gian qua. Việc thanh khoản không ngừng giảm sút đã gây tác động tiêu cực tới tâm lý của nhà đầu tư. Mặc dù có những phiên điểm số tăng khá lớn nhưng thanh khoản ngược lại vẫn giảm xuống mức kỷ lục, tạo cảm giác không an tâm cho nhà đầu tư trong việc "xuống tiền".
Thậm chí, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công bố tình hình kinh doanh quý II/2022 khả quan nhưng cũng không thể tác động tới giá cổ phiếu, bởi lẽ vẫn thiếu lực đỡ từ thanh khoản do nhà đầu tư chưa muốn mua. Trong khi đó, biến động giá dựa trên khối lượng giao dịch nhỏ thì độ tin cậy cũng thấp, khiến nhà đầu tư càng hoài nghi về mức độ tăng giá của cổ phiếu.
Mặt khác, nhiều nhà đầu tư đã thay đổi “khẩu vị” và đưa một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường chuyển vào những kênh đầu tư có lãi suất cố định như gửi tiết kiệm ngân hàng hay đầu tư trái phiếu, khiến thanh khoản thị trường càng thêm “teo tóp”.
Vì vậy, việc thanh khoản đang được duy trì và có xu hướng đi lên cho thấy nhà đầu tư đang bắt đầu ổn định tâm lý trở lại và giao dịch sôi động hơn. Thay vì để tiền “bất động” trong tài khoản, nhà đầu tư đã có động thái mua vào, từ chỗ mua ít chuyển sang mua nhiều và sử dụng đòn bẩy chỉ là một khoảng cách ngắn.
Không chỉ vậy, việc nhóm cổ phiếu chứng khoán hoạt động tích cực trở lại cho thấy thêm tín hiệu tốt, bởi đây là nhóm có độ nhạy khá cao với diễn biến của thị trường. Mặc dù không phải là nhóm cổ phiếu có vai trò lớn trong việc tạo điểm số cho VN-Index, nhưng xét về tổng thể, cổ phiếu chứng khoán lại là nhóm có tác dụng kích thích tâm lý rất lớn. Không một "sóng" tăng của thị trường nào thiếu nhóm cổ phiếu chứng khoán và ngược lại.
Trên các diễn đàn hội nhóm chứng khoán, trái ngược với các chia sẻ tiêu cực trước đó, các khuyến nghị hô hào mua bắt đầu được đưa ra khá nhiều, sôi nổi hơn hẳn, tập trung chủ yếu vào cổ phiếu chứng khoán và bất động sản.
Giới phân tích cho rằng, thị trường chứng khoán có vẻ đã vượt qua giai đoạn phản ứng mạnh với các thông tin tiêu cực. Thay vào đó, niềm tin của nhà đầu tư bắt đầu trở lại với kỳ vọng hồi phục mạnh mẽ từ nay đến cuối năm.
Kỳ vọng VN-Index lên 1.260 - 1.300 điểm
Dựa theo số liệu của Fiintrade, lợi nhuận quý II/2022 của các doanh nghiệp tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước, Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, dư địa tăng trưởng trong quý III là rất lớn, thậm chí có thể là 2 con số. Các khu vực đều có sự tăng trưởng, đặc biệt là khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây trong 6 tháng đầu năm sẽ là nền tảng rất lớn giúp quý IV tăng trưởng vượt cùng kỳ.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP quý III/2022 ở mức 6,5% chắc chắn đạt được và sẽ ở mức cao 7% trở lên khi so sánh với nền thấp do ảnh hưởng của Covid năm 2021”, CSI dự báo.
Tương tự, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BIDV (BSC) cũng đánh giá, GDP Việt Nam năm nay có thể sẽ tăng trưởng rất mạnh sau đại dịch và từ năm 2023 trở đi, kể cả khi suy thoái thì tăng trưởng GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì ở mức cao trên 5% và cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.
Theo đó, CSI nhận định, VN-Index có thể sẽ đạt mốc 1.260-1.300 điểm vào cuối năm trong điều kiện có tín hiệu hồi phục tốt.
Thực tế, bên cạnh câu chuyện khả quan về vĩ mô, ước tính số tiền hiện đang nằm chờ trong các công ty chứng khoán của các nhà đầu tư khoảng gần 80.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp Đại học Bristol (Anh) tiết lộ, lượng tiền mặt trên thị trường đang ở mức cao nhất trong lịch sử trong khoảng hơn 15 năm trở lại đây ở các quỹ đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc luôn có một lượng tiền rất lớn đang sẵn sàng đầu tư vào thị trường.
Hiện nay, sau nhịp điều chỉnh mạnh thời gian qua, thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu có mức P/E và P/B tốt để đầu tư dài hạn, khả năng lớn sẽ bắt đầu có những dòng vốn đổ ra để để tận dụng những cơ hội này. Và nếu thị trường phát tín hiệu tích cực, nhất là về thanh khoản, thì số tiền khổng lồ trên sẽ rất có thể sớm được kích hoạt và không khó để mức thanh khoản lớn trở lại, đưa thị trường “thăng hoa”, đạt được số điểm như kỳ vọng.
“Các quỹ đầu tư thế giới đang chờ thanh khoản thị trường cải thiện sẽ đổ tiền vào. Lúc đó, thị trường cổ phiếu chắc chắn sẽ tăng điểm”, ông Tuấn nhận định.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn nên chú ý tới 2 rủi ro có thể ảnh hưởng tới tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam. Đó là ảnh hưởng từ giá dầu thô, lạm phát, lãi suất cao hơn và lo sợ tăng trưởng toàn cầu chững lại.
Hải Giang