Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ban hành quyết định xử phạt 1,2 tỷ đồng đối với ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương (mỗi người 600 triệu đồng) do hành vi thao túng cổ phiếu FTM của CTCP Đầu tư và phát triển Đức Quân (Fortex).
Theo quyết định xử phạt, ông Lê Mạnh Thường - Nguyên Chủ tịch HĐQT Fortex và bà Phạm Thị Phương sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM.
Được biết vào cuối tháng 6, tại đại hội đồng cổ đông thường niên, chức danh chủ tịch HĐQT của ông Lê Mạnh Thường đã không còn khi các cổ đông Fortex thông qua tờ trình miễn nhiệm. Nhưng ngay sau đó, ông Thường đã được bầu lại làm Thành viên HĐQT.
Nghi vấn "làm giá"
Năm 2019, cổ phiếu FTM đã gây rung động thị trường với chuỗi 30 phiên giảm sàn liên tiếp từ mức 23.650 đồng/cp (14/8) xuống 2.790 đồng/cp (26/9). Dù không phải mức giảm sàn kỷ lục trong lịch sử gần 20 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng việc FTM lao dốc lại gắn đến câu chuyện dư nợ margin tại nhiều công ty chứng khoán.
Thời điểm đó, sau cuộc họp của một số công ty chứng khoán, sơ bộ lộ diện 10 cá nhân mở tài khoản và có dư nợ margin lớn tại 13 công ty chứng khoán với tổng giá trị khoảng 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong giai đoạn này, ban lãnh đạo Công ty Fortex đã 2 lần đưa ra thông báo cho biết việc giảm giá của cổ phiếu do "thị trường xuất hiện nhiều tin đồn thất thiệt liên quan đến Fortex và cổ phiếu FTM" và khẳng định công ty hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Ngay cả chính các "cá mập" trên thị trường cũng "sập bẫy" FTM. |
Tuy nhiên, các công ty chứng khoán cho biết, một số cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường. Các tài khoản này có hiện tượng bị kiểm soát giao dịch, giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo với cổ phiếu FTM.
Thế nhưng, khi được hỏi đến, ông Lê Mạnh Thường lại khẳng định: “Bản thân tôi rất bất ngờ khi có những thông tin như vậy. Tôi hoàn toàn không có bất kỳ hoạt động nào liên quan đến làm giá chứng khoán hay tác động đến giá cổ phiếu”.
Đặc biệt, ngày 16/8/2019, HoSE thông báo đưa cổ phiếu FTM vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quý do lợi nhuận sau thuế trên báo cáo tài chính soát xét 6 tháng năm 2019 bị âm. Theo đó, Fortex chỉ đạt 450 tỷ đồng doanh thu, giảm 24% và lợi nhuận sau thuế ghi âm 31 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi 27,5 tỷ đồng.
Trước khi báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2019 được công bố, cổ phiếu FTM vẫn nằm trong danh sách các cổ phiếu được phép giao dịch ký quỹ.
Điều đáng nói ở đây là lâu nay trên thị trường vẫn hay nói về việc nhà đầu tư bị “úp bô”, nhưng với cổ phiếu FTM thì đối tượng lại là những công ty chứng khoán - vốn được biết đến là nhà thiết lập "cuộc chơi".
Bởi lẽ, trước khi cấp margin cho một mã cổ phiếu nào đó, các công ty chứng khoán sẽ định giá dựa trên các yếu tố như chất lượng tài sản, lợi nhuận, dòng tiền tương lai của doanh nghiệp, hay thậm chí cả những mối quan hệ để đưa ra được một giá tính là tài sản đảm bảo. Tất nhiên, FTM cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Vậy, tại sao những người “cầm đằng chuôi” này vẫn “sập bẫy”?
"Nắm chuôi" vẫn "đứt tay"
Theo chia sẻ của một nhà phân tích chứng khoán, ở mỗi công ty chứng khoán, “đội lái” sẽ có 2 - 3 tài khoản cá nhân cầm cố một lượng cổ phiếu nhất định để "làm thanh khoản", sau đó sẽ đi xin cấp margin. Tiền margin được dùng để mua FTM trên sàn và người nắm giữ cổ phiếu công ty này sẽ bán cổ phiếu với giá cao để thu về tiền mặt, còn các công ty chứng khoán sẽ bị treo số tiền cho vay margin và nhận về lượng cổ phiếu đã cầm cố cho vay.
Sau khi bán được 60% cổ phần công ty cho các công ty chứng khoán, lúc này "game" đã hết, giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được thả trôi tự do, mất thanh khoản vì không còn sự can thiệp, cổ phiếu giảm giá, các công ty chứng khoán sẽ buộc phải bán giải chấp lượng lớn cổ phiếu để thu hồi vốn nhưng thanh khoản mất hút khiến “lực bất tòng tâm”.
Thực tế, ở Fortex đã có nhiều dấu hiệu bất thường mà đáng lẽ ra các công ty chứng khoán phải nhận biết được từ trước. Có thể kể đến việc biến động nhân sự cấp cao, sự xuất hiện của hàng loạt cổ đông lớn, thanh khoản và giá cổ phiếu tăng mạnh trong bối cảnh thị trường ảm đạm, doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, lợi nhuận quý IV/2018 giảm sâu, lợi nhuận quý I/2019 âm…
Hơn nữa, dù cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc khi gần 80% lượng cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông lớn nhưng khối lượng đặt bán trong những ngày trước đó có phiên lên tới hơn 32,8 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 65% tổng số cổ phiếu.
Có ý kiến cho rằng, với hiện trạng hoạt động như này, các công ty chứng khoán vì sao không dừng margin ở thời điểm doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính quý I/2019 mà phải đến khi có báo cáo tài chính soát xét bị lỗ và HoSE đưa FTM ra khỏi danh mục ký quỹ mới tiến hành bán giải chấp?
Ông Lê Mạnh Thường - Chủ tịch HĐQT Fortex còn nắm giữ vị trí quan trọng tại nhiều doanh nghiệp niêm yết khác. |
Theo chia sẻ của một công ty chứng khoán trong nhóm 13 công ty bị thiệt hại, việc doanh nghiệp thua lỗ trong một quý không hẳn là bất thường vì họ có thể trở lại trong quý sau. Nếu doanh nghiệp có một quý thua lỗ mà cắt margin ngay thì trên thị trường có rất nhiều mã bị như vậy.
Nhìn vào đây có thể thấy, các công ty chứng khoán đã đặt niềm tin khá mãnh liệt vào Fortex. Nhiều nhà đầu tư đã đặt ra giả thiết về việc công ty này đã thực hiện việc “xào nấu” báo cáo tài chính trước khi xảy ra bê bối. Điều này là hoàn toàn có cơ sở khi trong giai đoạn 2016-2018, Fortex liên tiếp báo lãi lớn lần lượt 37,7 tỷ đồng, 39,6 tỷ đồng và 28,3 tỷ đồng nhưng lại ngay lập tức âm nặng chỉ trong quý I/2019.
Liệu có “cá mè một lứa”?
Nhìn chung, với những chiêu thức không mấy mới mẻ trên thị trường chứng khoán, ông Lê Mạnh Thường đã thành công trong việc đưa một loạt công ty chứng khoán “sập bẫy”. Đến nay, sau 2 năm, các quyết định xử phạt mới được ban hành và thị giá của cổ phiếu FTM vẫn đang dao động quanh vùng giá 3.000 đồng/cp, thậm chí nằm trong diện kiểm soát.
Kết quả kinh doanh của Fortex cũng không thể tươi sáng hơn khi 6 tháng đầu năm 2021, công ty tiếp tục lỗ 94 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 290 tỷ đồng. Nợ phải trả của Fortex đã tăng từ 1.177 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.370 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 1.127 tỷ đồng - vượt quá giá trị tài sản ngắn hạn là 904 tỷ đồng.
Công ty còn có tổng cộng gần 968 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn, chiếm đến 61% tổng tài sản. Trong khi đó, nợ vay tài chính ngắn hạn và dài hạn là 874 tỷ đồng, chiếm gần 64% tổng nợ phải trả. Nhiều khoản vay, lãi vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán.
Đáng chú ý, kiểm toán đã đưa ra ý kiến về các yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến các khoản nợ có thể dẫn tới nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Điều đáng nói ở đây là hầu hết các khoản phải thu ngắn và dài hạn, các khoản vay của Fortex đều liên quan đến CTCP Tập đoàn Đại Cường và CTCP Bất động sản New City, CTCP Đầu tư 3GR- thành viên trong CTCP Trường Mạnh Holdings Việt Nam (Truman Holdings) do ông Thường là Chủ tịch HĐQT.
Đặc biệt, dù mới chỉ được thành lập năm 2016, nhưng các công ty thành viên, liên kết của Truman Holdings đều đã hoạt động lâu năm, thậm chí còn là các công ty đại chúng trên thị trường, ông Thường cũng nắm nhiều chức vụ quan trọng tại đây.
Có thể kể đến như Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Long Hậu (mã: LHG), Phó Chủ tịch CTCP Chiếu sáng công cộng TP HCM (mã: SPD), Thành viên HĐQT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung (mã: CHS).
Mối quan hệ giữa các doanh nghiệp này khá mật thiết bởi trên báo cáo tài chính đều thể hiện sự luân chuyển dòng tiền liên quan đến nhau (điều này sẽ được VnBussines làm rõ hơn ở một bài viết khác).
Nhìn chung, từ các thủ thuật "làm giá" của FTM và mối liên quan của cá nhân ông Thường, đã có nhiều nhà đầu tư bày tỏ quan điểm lo ngại với cổ phiếu LHG, SPD, CHS sẽ là “cá mè một lứa” khi những mã này có thể được xem là “cùng chủ”.
Minh Khuê