Cổ phiếu FTM giảm sàn 30 phiên liên tiếp gây thiệt hại cho nhiều nhà đầu tư |
Câu chuyện giảm sàn của cổ phiếu FTM đã trở thành một trong những trường hợp lao dốc kinh điển trên thị trường chứng khoán. Xuất phát từ việc kinh doanh thua lỗ, cổ phiếu FTM không được cấp margin dẫn đến đợt bán tháo cổ phiếu hiện nay. Sau 30 phiên giảm sàn, thị giá FTM đã mất hơn 88,5% giá trị.
Theo dõi diễn biến cổ phiếu FTM những phiên vừa qua có thể thấy không ít lệnh bắt đáy của các nhà đầu tư đã xuất hiện nhưng bắt đáy không thành công khiến những nhà đầu tư mạo hiểm thua lỗ tiếp.
Bi kịch cổ phiếu FTM đã gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư và 11 công ty chứng khoán – những nhà thiết lập thị trường với đội ngũ phân tích và các chuyên gia đánh giá rủi ro hùng hậu. Bên cạnh nghi vấn thao túng giá cổ phiếu hay vấn đề dư nợ margin, báo cáo tài chính của Fortex cũng cho thấy nhiều điểm đáng ngờ.
Điển hình như chỉ trong 4 năm (2007, 2012, 2013 và 2015), vốn điều lệ của công ty tăng từ 80 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng, trong đó 321 tỷ đồng (tương đương 64% vốn điều lệ hiện nay trên BCTC) được góp bằng tài sản. Vấn đề của việc góp vốn bằng tài sản là việc giá trị thực tế của tài sản có thể không bằng với giá trị định giá góp vốn.
Ngoài ra, tổng tài sản của Fortex đến cuối quý II/2019 là 1.728 tỷ đồng; trong đó, tổng các khoản phải thu là 676 tỷ đồng, chiếm 39% tổng tài sản (cuối năm 2015 chỉ ở mức 20%) còn lại là tài sản cố định 34% và hàng tồn kho 21%.
Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Fortex bị âm 102 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2018 là dương 33 tỷ đồng). Dòng tiền âm do công ty kinh doanh thua lỗ và tăng mạnh hàng tồn kho (từ 146 tỷ đồng lên 368 tỷ đồng).
Lưu chuyển tiền từ hoạt động đầu tư là dương 19 tỷ đồng chủ yếu do thu hồi cho vay, thu hồi lãi cho vay, cổ tức. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính âm 27 tỷ đồng. Như vậy, lưu chuyển tiền thuần 6 tháng đầu năm âm 110 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn dương 36 tỷ đồng.
Song song đó, lượng tiền và tương đương tiền chưa đến 12 tỷ đồng, chỉ khoảng 0,7% tài sản của công ty. Tỷ trọng tiền mặt này rất thấp với một công ty chuyên về sản xuất như Fortex. Một đơn vị hoạt động cùng ngành nghề là Sợi Thế Kỷ có tỷ trọng tiền/tổng tài sản 12% hay tổng công ty Việt Thắng có tỷ trọng 8,5%.
Lượng tiền thấp cùng chất lượng các khoản phải thu gây ra rủi ro thanh khoản rất lớn cho Fortex. Tính đến 30/6, chênh lệch thanh khoản thuần của công ty tiếp tục tăng lên âm 749 tỷ đồng.
Công ty vay nợ tài chính ngắn và dài hạn tổng cộng gần 720 tỷ đồng, tương đương 42% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay ngắn hạn tổng cộng 346 tỷ đồng.
N.L