Dư nợ cho vay ký quỹ (margin) đối với cổ phiếu FTM tập trung vào gần 30 tài khoản chứng khoán được đứng tên của hàng chục cá nhân và đều là cổ đông lớn của Fortex. Chuỗi giảm sàn gần 30 phiên của FTM đã lấy đi gần 90% thị giá cổ phiếu này trên sàn.
Đến nay, đã có 14 công ty chứng khoán (CTCK) ghi nhận thiệt hại trong câu chuyện sập sàn hơn một tháng của cổ phiếu FTM: Bảo Việt (BVSC), VnDirect (VNDS), Rồng Việt (VDSC), MB (MBS), Chứng khoán Trí Việt, Agribank (Agriseco), KIS Việt Nam (KIS), Chứng khoán NH Việt Nam, Chứng khoán IB, Chứng khoán IB, Vina (VNSC), KB (KBSC), Sài Gòn – Hà Nội (SHS), Everest (EVS).
Người giấu, kẻ không ngại
Tính đến thời điểm hiện tại, khi nhiều CTCK đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý III đã dần lộ diện những vấn đề liên quan đến việc đánh giá lại tài sản, trích lập dự phòng trong hoạt động cho vay, cầm cố đối với cổ phiếu FTM.
Đầu tiên phải kể đến Agriseco, tại BCTC quý III của đơn vị này cho biết đang nhận thế chấp gần 2,4 triệu cổ phiếu FTM của Fortex có giá trị ghi sổ là 16,53 tỷ đồng, tương đương gần 7.000 đồng/cp.
Ghi nhận tại ngày 30/9, cổ phiếu FTM đóng cửa ở mức 3.180 đồng/ cp. Theo đó, Agriseco đang đánh giá lại với mức giảm giá trị tài sản thế chấp hơn 9 tỷ đồng.
Với việc đánh giá giảm giá trị tài sản thế chấp với các cổ phiếu FTM, FDI và CDO. Dự phòng suy giảm giá trị tài sản tài chính và tài sản thế chấp của Agriseco – các khoản cho vay margin của Agriseco tăng từ 7,35 tỷ đồng tại đầu kỳ lên gần 16,4 tỷ đồng tại thời điểm 30/9.
Không nói rõ như Agriseco, nhưng BCTC của VDSC lại bất ngờ xuất hiện những cái tên khiến giới đầu tư gợi nhớ đến những cổ đông lớn nắm giữ cổ phiếu FTM.
Cụ thể, trong quý III, VDSC có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp hơn 33 tỷ đồng, tăng 6 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, phát sinh thêm 4 khoản dự phòng cho vay giao dịch ký quỹ đối với 4 nhà đầu tư, gồm Lê Quốc Quân, Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Chí Cường trùng tên với 4 cổ đông lớn của Fortex. Con số trích lập trong kỳ cũng tập trung vào 4 cá nhân này, khoảng 6 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/9/2019, giá trị phải thu khó đòi của VDSC ghi nhận gần 53 tỷ đồng, riêng 4 cá nhân trên là khoảng 25,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, tại thời điểm 30/9, EVS có khoản dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp gần 7,6 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm, con số trích lập trong kỳ là 4,5 tỷ đồng.
EVS cũng phát sinh thêm chi phí dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi hơn 4,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ không có khoản này. Tuy nhiên, công ty không có thuyết minh chi tiết khoản dự phòng liên quan cổ phiếu nào, hoặc cá nhân nào.
Trong khi đó, các CTCK khác lại có khoản dự phòng này giảm hoặc không thay đổi.
Những con số trích lập dự phòng khoản phải thu tại nhiều CTCK gia tăng do cổ phiếu FTM |
Rủi ro nợ xấu tiềm tàng?
Thực chất margin không phải là một khoản đầu tư mà là một khoản vay và khách hàng phải có nghĩa vụ thanh toán 100% khoản vay. Nếu nhà đầu tư tiếp vẫn tiếp tục giao dịch sẽ phải nộp thêm tiền, còn ngược lại sẽ là một dấu hiệu cho việc khó thu hồi khoản vay.
Đáng chú ý, liên quan đến sự việc cổ phiếu FTM bị “đánh sập” bên cạnh các CTCK còn có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Hà Nội. Tại BIDV, Fortex đang có dư nợ lên tới 386,5 tỷ đồng (tính tới ngày 30/6/2019).
Đặc biệt, cha con ông Lê Mạnh Thường, cựu Chủ tịch HĐQT FTM từng thế chấp cho BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội cổ phiếu FTM/vốn góp tại Fortex. Điều này đồng nghĩa với việc giá trị số cổ phiếu đang thế chấp này cũng đã giảm sâu.
Thông thường, cầm cố cổ phiếu có 2 dạng là cầm cố để đầu tư, tức là ngân hàng sẽ liên kết với CTCK để cho vay và cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo thay vì đất đai, nhà xưởng. Điều này khiến nhiều người đặt ra lo ngại về việc ngân hàng sẽ gánh nợ xấu.
Diễn biến cổ phiếu FTM từ cuối tháng 9 tới nay cũng gây “đau tim” khi sau chuỗi giảm sàn gần 30 phiên, cổ phiếu này tăng trần 8 phiên liên tiếp từ mức giá 2.790 đồng/cp lên 4.750 đồng/ cp nhưng lại ngay lập tức giảm sàn liên tiếp về vùng giá 3.170 đồng/ cp. Sau đó là những ngày tăng trần rồi lại giảm sàn liên tiếp, hiện có mức giá 3.710 đồng/cp.
Thanh khoản của FTM cũng đã cải thiện khá nhiều với những phiên có lượng khớp lệnh lên tới hàng triệu đơn vị, cá biệt nhất là phiên tăng trần đầu tiên ngày 27/9 có khối lượng khớp lệnh lên tới gần 4,8 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của các nhà đầu tư trên thị trường, đây vẫn có thể là một “chiêu trò” nhằm “thoát hàng” của những đơn vị liên quan. Bởi động thái bán ra 600.000 cổ phiếu FTM của cổ đông lớn Phạm Đình Giá tại đúng phiên tạo đỉnh ngắn hạn (phiên 9/10) theo phương thức khớp lệnh trên sàn.
Trong phiên 9/10, FTM đã giao dịch với biên độ rộng khi tăng trần trong phiên sáng lên 5.080 đồng/cp, có hơn 1 triệu cổ phiếu bán ra tại thời điểm này.
Linh Đan