Thống kê từ HoSE cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, đã có ít nhất 14 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với hầu hết tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các vị trí trong “bảng xếp hạng” lại đang có sự thay đổi lớn.
SSI đang mất dần vị trí số 1
CTCP Chứng khoán SSI (mã: SSI) vừa công bố kết quả kinh doanh báo cáo riêng quý III/2021 và 9 tháng đầu năm 2021. Cụ thể, doanh thu quý III/2021 đạt 1.846,3 tỷ đồng. Tổng lợi nhuận sau thuế quý III/2021 của SSI là 667 tỷ đồng, tăng gần 2 lần so với quý III/2020.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu 5.091,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.062,6 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 53,3% và 91,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Dự kiến lợi nhuận hợp nhất trước thuế cho 9 tháng năm 2021 của SSI đạt khoảng 2.100 tỷ đồng. Với kết quả này, sau 9 tháng hoạt động SSI đã hoàn thành vượt 12% kế hoạch kinh doanh năm 2021 về lợi nhuận.
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng qua, nhất là trong giai đoạn 6 tháng đầu năm liên tiếp tăng trưởng ghi nhận nhiều kỷ lục mới cùng với thanh khoản luôn duy trì ở mức cao đã giúp các hoạt động của SSI đều thành công.
Tuy nhiên, nếu xét về các con số lợi nhuận, SSI lại đang bị một đơn vị khác trên thị trường “vượt mặt”.
Theo đó, CTCP Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận trước thuế đạt 1.002 tỷ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng của năm 2021, TCBS ghi nhận doanh thu đạt 3.699 tỷ đồng, tăng 48,6%; tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.846 tỷ đồng, tăng 33,36% so với 9 tháng năm 2020, tạm thời bỏ xa SSI với hơn 783 tỷ đồng.
Đây không phải là lần đầu lợi nhuận của TCBS vượt qua SSI. Trước đó, tại các năm 2019, 2020, TCBS đã ghi nhận lợi nhuận trước thuế tương đương quy mô lợi nhuận của 2 công ty chứng khoán có thị phần môi giới cổ phiếu lớn nhất Việt Nam cộng lại là SSI và HSC.
Vị trí số 1 trong thị phần môi giới cổ phiếu của SSI đã được thay thế bởi VPS. |
Không chỉ bị đối thủ bỏ xa về lợi nhuận, xét về thị phần môi giới cổ phiếu – mảng kinh doanh thế mạnh, luôn giữ vững vị trí đầu bảng của SSI cũng bị lùi về vị trí số 2, quán quân thuộc về Công ty chứng khoán VPS, số 3 là VNDirect.
Đáng chú ý, sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, kể từ năm 2021, TCBS có dấu hiệu tham gia vào cuộc đua thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE. Theo số liệu cập nhật quý III/2021, thị phần của TCBS đã bám sát top 5 với 4,81%, xếp ngay sau CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCSC) với 4,9%.
Nguyên nhân do đâu?
Đứng trước sự hoán đổi về vị trí xếp hạng lợi nhuận cũng như thị phần môi giới, nhiều ý kiến đã đặt ra giả thiết, là do SSI đang dần suy yếu hay đối thủ quá mạnh? Bởi lẽ lâu nay, SSI vẫn luôn tự hào mình là định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, có tiềm lực vững mạnh và kinh doanh hiệu quả trong nhiều năm liền.
Xem xét kỹ hơn vào từng mảng có thể thấy, sở dĩ vị trí số 1 trong thị phần môi giới của SSI bị lung lay là do trong 2 năm qua, VPS đã trở thành hiện tượng trong giới chứng khoán khi vươn lên nhanh chóng và chiếm lấy ngôi vị quen thuộc của SSI.
Theo một chuyên gia chứng khoán, việc được thừa hưởng hệ sinh thái từ VPBank đóng vai trò là nguồn cung cấp tài chính có thể áp dụng cho vay high margin (tỷ lệ cho vay ký quỹ cao) “món ăn” ưa thích của các nhà đầu tư cá nhân, trong khi đây lại đang là yếu tố làm nên sự thành công của thị trường chứng khoán trong hơn 1 năm qua nên trong ngắn hạn khó có công ty nào có thể cạnh tranh với VPS.
Tuy nhiên, nhóm những nhà đầu tư cá nhân cũng chính là sự rủi ro đối với đà tăng trưởng của thị trường chung bởi phần đông trong số này theo trường phái đầu cơ là chính, khả năng rút tiền ra khỏi thị trường chứng khoán là rất cao nếu tìm được kênh đầu tư có lợi nhuận chắc chắn hơn.
SSI bị TCBS "vượt mặt" về lợi nhuận. |
Cùng với đó, tỷ lệ cho vay margin cao cũng có thể là hiểm họa với lợi nhuận của công ty chứng khoán nếu gặp cổ phiếu bị “thao túng”. Trường hợp của cổ phiếu FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân) khiến 13 công ty chứng khoán điêu đứng là một ví dụ điển hình.
Ngoài ra, việc cơ cấu cổ đông ít cũng là một lợi thế của VPS bởi có thể dễ dàng hy sinh lợi ích cổ đông để mang lại lợi ích cho công ty, nhưng như SSI sẽ không thể làm điều đó bởi phải xác định chiến lược đường dài chứ không thể “bạo phát bạo tàn” trong 2 năm rồi tắt.
Về việc bị mất vị trí số 1 lợi nhuận, cùng là công ty chứng khoán nhưng khác với SSI hoạt động toàn diện, TCBS chỉ dẫn đầu thị trường trong một lĩnh vực duy nhất là trái phiếu doanh nghiệp.
Sự bứt phá của TCBS, cũng đồng hành với đà bùng nổ của thị trường trái phiếu. Tính tới hết quý III/2021, TCBS dẫn đầu với thị phần vượt trội 63,97%, hoàn toàn áp đảo so với các công ty khác.
Kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp của TCBS đã tăng trưởng mạnh kể từ năm 2018 với tổng giá trị phát hành gần 240.000 tỷ đồng. Hai năm tiếp theo, tổng giá trị phát hành tăng lên lần lượt 335.000 tỷ đồng và 430.000 tỷ đồng.
Đến 9 tháng đầu năm nay, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục đạt mức cao với 45.500 tỷ đồng. Phần lớn trong số này là các lô trái phiếu của các doanh nghiệp liên quan đến “hệ sinh thái” Masterise.
Nhìn chung, mỗi công ty chứng khoán đều có một lối đi cho riêng mình để khẳng định vị trí trên “đấu trường” và cũng khó để khẳng định ai mạnh ai yếu trong bối cảnh hiện nay. Thế nhưng, con đường dài hạn vẫn là thích nghi với hành vi của người tiêu dùng, tập trung vào chất lượng tư vấn, xây dựng các sản phẩm công nghệ…nếu không bắt kịp xu thế thì dù có là “ông lớn” thì vẫn sẽ bị bỏ lại phía sau.
Minh Khuê