Triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn rất lớn. |
Báo cáo kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy GDP quý III tăng trưởng âm gần 6,2% và GDP 9 tháng tăng 1,4%. Trước đó, ADB dự báo GDP quý III Việt Nam tăng trưởng 4,2%. Như vậy, con số thực đạt thấp hơn rất nhiều.
Tại một buổi tọa đàm được tổ chức mới đây, bà Trần Khánh Hiền - Giám đốc khối phân tích VNDirect ước tính sơ bộ tăng trưởng GDP chỉ đạt gần 3% trong năm 2021. Dù vậy, việc tính toán cụ thể vẫn phải chờ các con số như PMI (chỉ số nhà quản trị mua hàng) hay xuất nhập khẩu.
Đánh giá những cơ hội cũng như rủi ro của bức tranh vĩ mô đến thị trường chứng khoán, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc đầu tư Công ty quản lý quỹ IPA cho rằng, Việt Nam có GDP và cơ cấu dân số ở thời điểm tuyệt vời nhất để đón chờ đà tăng trưởng tích cực trong 5 - 10 năm tới. Chính vì vậy, những khó khăn ngắn hạn cũng không làm ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán. Ông Hoàng đánh giá tích cực cho các năm tiếp theo khi Chính phủ sẽ có những gói kích thích bằng tài khóa cũng như tiền tệ trong thời gian tới đễ hỗ trợ nền kinh tế.
Về góc nhìn ngắn hạn, ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng tư vấn đầu tư Chứng khoán VNDirect nhận định, thông thường thị trường sẽ đi ngang hoặc điều chỉnh để chờ thông tin GDP âm. Trong khi đó, thị trường giảm ở phiên thứ Hai (27/9) được cho là phản ứng khi các tin về GDP được tiết lộ từ trước. Khi thông tin xấu đã được đưa ra, sức ép trong ngắn hạn được gỡ bỏ. Trong khi đó, GDP quý IV được dự báo sẽ trở nên tích cực khi tỷ lệ tiêm vaccine cao, hoạt động kinh tế được mở lại.
Ngược lại, một thông tin khác có khả năng tác động tới thị trường trong ngắn hạn là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ngừng mua tài sản, khi đó thị trường Mỹ rất có thể phải chịu cú điều chỉnh mạnh từ 5-10%, ít nhiều gây ra lan tỏa tới Việt Nam.
Xét chung về tổng thể tầm nhìn ngắn hạn, chuyên gia tới từ VNDirect thiên về kịch bản tích cực, khi triển vọng của Việt Nam là rất lớn, trong khi định giá thị trường đang ở mức khá rẻ.
"Vào khoảng tháng 11 tới đây, khả năng cao thị trường sẽ có một cú điều chỉnh và nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng giải ngân khi đây sẽ là cơ hội rất tốt để mua vào cổ phiếu với giá rẻ", ông Tuấn chia sẻ.
Thực tế, sau giai đoạn thăng hoa trong 2 quý đầu năm, xu hướng đi ngang của thị trường chứng khoán Việt Nam đã được duy trì kể từ thời điểm đợt sóng Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh mẽ từ đầu tháng 7/2021.
Nếu tính từ đầu năm 2021 tới nay, vẫn có nhiều cổ phiếu có mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ như dịch vụ tài chính (khoảng 92%), công nghệ thông tin (khoảng 83%), tài nguyên cơ bản (khoảng 76%), bán lẻ (khoảng 62%), hóa chất (40%)…
Động lực quan trọng cho thị trường tới từ lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia vào thị trường đóng góp thanh khoản khổng lồ trong bối cảnh khối ngoại đang liên tục rút ròng khỏi chứng khoán Việt Nam. Sự gia tăng ồ ạt của các nhà đầu tư cá nhân là không hề "nóng" khi tỷ lệ dân số tham gia đầu tư trên thị trường tài chính của Việt Nam mới chỉ ở mức 3%.
Về mặt định giá, tính toán của VNDirect cập nhật đến hết phiên 29/9, P/E của VN-Index chỉ giao dịch quanh mức trung bình lịch sử là 16,2 lần - được xem là mức định giá vô cùng rẻ.
Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp tăng trưởng giúp định giá thấp hơn lịch sử. Mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết năm nay khoảng 26%, kỳ vọng năm 2022 khoảng 21% và năm 2023 là 18%. Do vậy, định giá so với mức tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là hấp dẫn so với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, quy mô thị trường hiện tại khác hơn nhiều so với năm 2018 nhờ hỗ trợ từ các dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước, thanh khoản cũng như quy mô tiếp tục phát triển ở mức bền vững trong những năm tới. Trong khi hồi năm 2018, thị trường được dẫn dắt bởi nhà đầu tư nước ngoài và khi họ rời đi dẫn đến sự đổ vỡ. Ngoài ra, nâng hạng thị trường là câu chuyện hấp dẫn trong tương lai.
M.Khuê