Vinalines tiếp tục thoái vốn tại 13 doanh nghiệp thành viên |
Theo đó, Vinalines sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp thành viên: CTCP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) giảm từ 51% xuống 49% (2,8 triệu cổ phần); CTCP Vận tải biển Vinaship giảm từ 51% xuống 36% (3 triệu cổ phần); CTCP Cảng Cái Lân giảm từ 56,58% xuống 51% (hơn 2 triệu cổ phần); Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao giảm từ 56% xuống 51%.
Cùng với đó, Vinalines cũng sẽ thoái vốn toàn bộ tại 7 doanh nghiệp, gồm CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (49%), CTCP Vận tải biển Hải Âu (26,46%), CTCP Hợp tác lao động với nước ngoài (24,9%), CTCP Đầu tư và Thương mại hàng hải (12,94%); CTCP Hàng hải Đông Đô (48,97%), CTCP Vận tải biển và thương mại Phương Đông (49%) và CTCP Vinalines Nha Trang (98,34%).
Ngoài ra, Vinalines cũng dự kiến thoái 300.000 cổ phần tại CTCP phát triển khu công nghiệp Tín Nghĩa và hơn 47.800 cổ phần tại Tổng công ty Thương mại kỹ thuật và Đầu tư (Petec).
Theo đại diện của Vinalines, với kế hoạch thoái vốn này cùng với việc thanh lý tàu và ảnh hưởng giảm thị phần dịch vụ tạm nhập tái xuất của khách hàng nên năm 2020, dự kiến doanh thu hợp nhất của Tổng công ty khoảng 10.315 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2019.
Theo Vinalines, tính từ năm 2013 (giai đoạn Vinalines bắt đầu tái cơ cấu), Tổng công ty đã thực hiện thoái vốn tại rất nhiều doanh nghiệp.
Số lượng doanh nghiệp của Vinalines giảm từ 73 doanh nghiệp xuống còn 35 doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại, bao gồm cả CTCP Cảng Quy Nhơn mới được Vinalines tiếp nhận lại từ tháng 6/2019.
Đặc biệt, vốn đầu tư tại các doanh nghiệp kinh doanh ngoài ngành như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản... cũng đã được Vinalines rút toàn bộ để tập trung trong 3 ngành nghề chính gồm cảng biển, vận tải biển và hoạt động dịch vụ hàng hải.
Việc thoái vốn tại doanh nghiệp thành viên kinh doanh kém hiệu quả đã góp phần đưa tổng số nợ phải trả của toàn Tổng công ty giảm mạnh từ hơn 67.500 tỷ đồng (trước thời điểm tái cơ cấu) xuống còn hơn 17.000 tỷ đồng.
H.L