Kể từ đầu năm 2019, cổ phiếu nhóm ngành phân bón nói chung và QBS nói riêng ít được các nhà đầu tư quan tâm khi cả thị giá và thanh khoản đều cùng giảm, đưa mặt bằng giá đều về vùng đáy. Do việc giảm sâu, các cổ phiếu này dễ có điều chỉnh tăng trong ngắn hạn và thường nhạy cảm trước các thông tin.
Hồi phục kỹ thuật
Sau khi ghi nhận 8 phiên giao dịch giảm sâu từ mức giá 3.750 đồng/cp (phiên 25/4) xuống mức giá đáy 2.950 đồng/cp (phiên 13/5) với mức giảm lên tới 21,3%, QBS đã lội ngược dòng tăng trở lại từ phiên giao dịch 14/5, lấy lại mức giá 3.000 đồng/cp.
Cũng với 8 phiên giao dịch trong đó có 7 phiên tăng giá, QBS đã đạt được mức giá 3.510 đồng/cp, tương đương mức tăng gần 20%. Đi cùng với thị giá tăng là thanh khoản của QBS cũng từng bước nhúc nhích, điển hình là phiên tăng trần ngày 22/5 với hơn 1 triệu cổ phiếu được khớp lệnh.
Đà tăng này của QBS diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của công ty vẫn duy trì trạng thái ảm đạm. Theo BCTC quý I/2019 của XNK Quảng Bình, trong kỳ, doanh thu của công ty đạt 446,4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 4,8 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm 2018, cả doanh thu và lợi nhuận của XNK Quảng Bình đều giảm mạnh, lần lượt 21,5% và 55,1%.
Tính đến ngày 31/3/2019, tổng tài sản công ty ghi nhận 2.237 tỷ đồng, tăng 14,7% so với đầu năm, trong đó khoản phải thu ngắn hạn chiếm hơn một nửa với 1.156 tỷ đồng, tăng 36,5% so với đầu năm. Điều này khiến lợi nhuận ngày càng trở nên mong manh hơn.
Nợ phải trả tính đến cuối quý I/2019 là 1.341 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với 1.048 tỷ đồng vượt vốn chủ sở hữu 895,77 tỷ đồng; nợ vay tài chính ngắn và dài hạn là 661,4 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng số nợ.
Thực tế trên thị trường chứng khoán, trong khoảng 2 tháng trở lại đây, diễn biến giao dịch của QBS là đóng cửa trong sắc đỏ. Nếu tính tại mức giá 2.950 đồng/cp, QBS đã giảm khoảng 36% thị giá tính từ đầu năm 2019.
Tại các diễn đàn chứng khoán, nhiều ý kiến cho rằng việc cổ phiếu QBS bất ngờ tăng mạnh chỉ là một nhịp hồi phục kỹ thuật sau khoảng thời gian giảm quá sâu. Nhận định này có vẻ đúng khi kết thúc phiên giao dịch ngày 28/4, cổ phiếu QBS đóng cửa tại mức giá 3.440 đồng/cp đã điều chỉnh gần 2% so với phiên giao dịch ngày 23/5 với mức giá 3.510 đồng/cp.
Đáng chú ý, giao dịch cổ phiếu QBS trên thị trường khá đặc biệt khi luôn có những con sóng về thanh khoản đi kèm với giá tăng. Nhưng giữa những con sóng ấy, cổ phiếu QBS cũng "lịm" dần cả về giá cũng như thanh khoản.
Bên cạnh những nghi ngại về đà tăng của QBS, vẫn có những nhà đầu tư có cái nhìn lạc quan hơn về cổ phiếu này bởi sở dĩ việc cổ phiếu QBS nói riêng và các cổ phiếu ngành phân bón ít được quan tâm là bởi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết gặp khó khăn do ngành bão hòa, cạnh tranh gay gắt.
Theo dự báo của BMI, sản xuất nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 5,7%/năm đến năm 2025. Theo đó, ngành phân bón trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khoảng 4% đến năm 2025.
![]() |
Kết quả kinh doanh "phập phù" khiến giới đầu tư mất niềm tin vào QBS |
Động lực le lói
Xét trong ngắn hạn, dự báo nhu cầu tiêu thụ phân bón không tăng trưởng trong nửa đầu năm 2019 do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết khi hiện tượng El Nino được duy trì, nhập khẩu phân bón đặc biệt là từ Trung Quốc gia tăng, chính sách thuế hỗ trợ của Nhà nước chưa rõ ràng,…
Tuy nhiên, trên thị trường, các doanh nghiệp phân bón lớn phần lớn là các đơn vị thành viên thuộc hai tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và Dầu khí (PVN) mà hai tập đoàn này đang có kế hoạch thoái vốn tại nhiều công ty con nên hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự "hồi sinh" của các cổ phiếu nhóm ngành này, tất nhiên QBS cũng có thể được hưởng lợi.
Ngoài ra, xét về khía cạnh riêng, lợi thế của XNK Quảng Bình không nằm hoàn toàn do ảnh hưởng của ngành phân bón mà còn ở mảng kinh doanh "gà đẻ trứng vàng" ICD (cảng cạn) với ICD Đình Vũ – Quảng Bình.
Thế nhưng, nhìn vào những gì mà XNK Quảng Bình dành cho các cổ đông của mình, có thể thấy những động lực này chưa đủ để khiến giới đầu tư đặt niềm tin.
Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, trả lời đề xuất của cổ đông về việc trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu, ban lãnh đạo công ty xin phép trả lời qua… email.
Trong khi đó, năm 2019, công ty đặt kế hoạch lợi nhuận giảm so với thực hiện năm 2018, ở mức 50 tỷ đồng và chia cổ tức tỷ lệ 5 – 10% mệnh giá.
Từ mức giá đỉnh đạt được mới khi niêm yết là 20.820 đồng/cp (giá điều chỉnh), thị giá của QBS đã lao thẳng xuống mức giá "trà đá" như hiện nay, một phần do tác động của hai lần chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% và một lần "được" mua ưu đãi với giá 10.000 đồng/cp.
Thị giá cổ phiếu bị điều chỉnh sau mỗi đợt phát hành là điều bình thường nhưng từ những điều trên đối với QBS, nguyên nhân sâu xa vẫn xuất phát từ chính nội tại doanh nghiệp với kết quả kinh doanh không ổn định, các khoản phải thu tăng đột biến, lợi nhuận "phập phù", tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) ở mức thấp.
Linh Đan