ICD Đình Vũ – Quảng Bình nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ – một liên doanh nước ngoài với UBND Tp. Hải Phòng. Cảng cạn này có diện tích dự kiến hơn 26ha, vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng, thời gian hoạt động 50 năm.
Chính thức niêm yết trên sàn HoSE tháng 11/2014 với mức giá tham chiếu 16.000 đồng/cp, QBS đã tăng trần 6 phiên liên tiếp ngay sau khi lên sàn đạt mức đỉnh 26.700 đồng/cp, tăng gần 67% so với mức tham chiếu.
Cổ phiếu "rau dưa"
Sau giai đoạn ấn tượng này, dù vẫn có những phiên giao dịch tăng điểm xen kẽ nhưng cổ phiếu QBS quay đầu giảm "sốc" về vùng giá 15.000 đồng/cp, rồi xuống dưới 10.000 đồng/cp chỉ trong chưa đầy một năm.
Đáng chú ý, tại thời điểm đó, trong khi cổ phiếu "lao dốc không phanh" với mức giảm khoảng 66% so với đỉnh, Xuất nhập khẩu Quảng Bình lại đón nhận kết quả kinh doanh năm 2014 rất tích cực, với lợi nhuận tăng gấp 3 lần so với năm trước.
Sau nhiều năm giao dịch trồi sụt nhưng diễn biến giảm vẫn là chủ đạo, QBS nhanh chóng bị đẩy về vùng giá "rau dưa" 5.000 – 6.000 đồng/cp hồi đầu năm 2018.
Thanh khoản cũng giảm dần từ những phiên giao dịch đạt hàng triệu đơn vị xuống vài trăm nghìn, thậm chí vài chục nghìn đơn vị được giao dịch.
Tại thời điểm gần cuối tháng 7/2018, QBS bước vào giai đoạn điều chỉnh sâu xuống còn 4.160 đồng/cp từ mức giá 6.622 đồng/cp (phiên 18/7) với 19 phiên giảm giá kéo dài từ 19/7-21/8.
Cùng với diễn biến tích cực của thị trường chung, QBS cũng dần hồi phục lên vùng giá 5.000 đồng/cp và duy trì đến hết tháng 9 quanh mức giá này, thanh khoản duy trì tại mức trung bình dưới 500.000 đơn vị.
Vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công đã ký Quyết định 2200/QĐ-BGTVT về công bố mở cảng cạn Đình Vũ – Quảng Bình, có vị trí tại phường Đông Hải 2, quận Hải An, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng và chủ đầu tư chính là Xuất nhập khẩu Quảng Bình – một công ty của Hải Phòng.
Dự án được đầu tư theo 3 giai đoạn và dự kiến sau khi hoàn thành, cảng cạn này đạt công suất kho hàng 100.000 tấn/ năm, bãi chứa là 400.000- 500.000 TEU/năm.
Cảng cạn được coi là một mắt xích quan trọng trong vận tải đa phương thức, góp phần giảm chi phí vận chuyển, giảm thời gian lưu hàng tại cảng, với chức năng chính là điểm thông quan hàng hóa nội địa, bãi chứa container có hàng, container rỗng và container hàng lạnh, vận chuyển hàng dự án, hàng siêu trọng, thủ tục hải quan,…
Đồng thời, cảng cạn là bộ phận không thể thiếu của cảng biển, đóng góp vai trò quan trọng trong việc tăng khả năng lưu thông hàng hóa của cảng biển nói chung và tăng khả năng vận chuyển container từ cảng vào nội địa nói riêng.
Với thông tin hỗ trợ lớn như vậy, giới đầu tư lại bắt đầu "xôn xao" về QBS – một cổ phiếu "mờ nhạt" trên thị trường trong những năm qua.
Thực tế, QBS đã có 3 phiên tăng giá liên tiếp, trong đó có 2 phiên tăng trần, đưa thị giá cổ phiếu lên mức 5.810 đồng/cp từ mức 5.090 đồng/cp, tương đương gần 14%.
Khối lượng giao dịch trong phiên gần nhất (18/10) cũng tăng đột biến lên gần 780.000 đồng/cp, dư mua trần 133.860 đơn vị.
![]() |
Diễn biến cổ phiếu QBS thời gian vừa qua |
Dòng tiền sẽ trở lại?
Có nhiều nguyên nhân để lý giải đà lao dốc dài hạn của QBS trong thời gian qua như việc cổ đông lớn liên tiếp thoái vốn, gây tác động tiêu cực tới nhà đầu tư.
Gần đây nhất là tháng 1/2018, ông Daniel Rodney Badger đã bán hết toàn bộ hơn 5,34 triệu cổ phiếu QBS, tương ứng 7,71% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành tại công ty và không còn là cổ đông lớn.
Trước đó, ông Nguyễn Thanh Bình, chồng bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Chủ tịch HĐQT, đã chuyển nhượng 5 triệu cổ phiếu QBS trong tổng số 10 triệu cổ phiếu đang sở hữu. Bà Chu Thị Mỹ, mẹ bà Thanh Hương cũng chuyển nhượng hết 1 triệu cổ phiếu QBS sang cho đối tác logistics của công ty.
Tại thời điểm đó, cổ phiếu QBS đang nằm trong trạng thái giảm sâu, động thái thoái vốn của các cổ đông lớn lại càng "bồi thêm" vào tâm lý hoang mang có sẵn của các cổ đông, khiến thị giá của QBS không thể nhích lên nổi mệnh giá.
Trong nhiều năm qua, Xuất nhập khẩu Quảng Bình được biết đến là đại lý phân bón DAP lớn của cả hai dự án DAP hiện nay đặt tại Đình Vũ, Lào Cai. Doanh thu từ mảng phân bón chiếm tới 70% doanh thu, sau đó là hóa chất và dịch vụ kho bãi.
Hiện, Xuất nhập khẩu Quảng Bình đang là cổ đông lớn thứ hai tại CTCP DAP – Vinachem (mã: DDV), hay còn gọi với tên dễ nhớ hơn là DAP Đình Vũ – một trong 12 dự án trọng điểm của ngành công thương bị thua lỗ nặng.
Đáng chú ý, không chỉ là cổ đông lớn, đại lý của DAP Đình Vũ, Xuất nhập khẩu Quảng Bình còn là bạn hàng cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp này.
Mặc dù đã làm ăn có lãi với con số lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm 2018 đạt 145 tỷ đồng, nhưng để xóa hết lỗ lũy kế trong nhiều năm qua, DAP Đình Vũ còn phải mất thêm nhiều thời gian nếu mọi thứ diễn ra thuận lợi.
Do đó, với tư cách là cổ đông lớn thứ hai, Xuất nhập khẩu Quảng Bình vẫn phải trích lập khoản dự phòng giảm giá cho khoản đầu tư này.
Trước đó, Xuất nhập khẩu Quảng Bình đã có thông báo thoái vốn tại DAP Đình Vũ nhưng trong một thông báo mới đây, công ty cho biết kế hoạch này không thành công do "chưa thống nhất được giá và đang tiếp tục đàm phán".
Tại Báo cáo tài chính giữa niên độ năm 2018, Xuất nhập khẩu Quảng Bình ghi nhận doanh thu đạt 1.246 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt gần 22,8 tỷ đồng, giảm gần 54,5%.
Với đà lao dốc trước đó cùng với những khó khăn vẫn còn trước mắt, chỉ với một ICD Đình Vũ, khả năng về dòng tiền ổn định vẫn là điều khó nói trước.
Linh Đan