Cường Thuận Idico tiền thân là Công ty TNHH Cường Thuận, ban đầu hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông. Năm 2010 đánh dấu cột mốc quan trọng khi 15 triệu cổ phiếu CTI, tương đương 150 tỷ đồng vốn điều lệ được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE).
Liên tiếp hoãn chia cổ tức
Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Cường Thuận Idico đã có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và HoSE về việc xin gia hạn thời gian trả cổ tức năm 2018 sang quý II/2020. Nguyên nhân là do nguồn lực của công ty đang ưu tiên vốn thực hiện các dự án quan trọng trong ngắn hạn và chứng minh năng lực tài chính để tham gia các dự án lớn.
Do đó, công ty cần thêm thời gian, nguồn vốn để không làm ảnh hưởng đến tiến độ kinh doanh của mình. Đây không phải lần đầu tiên Cường Thuận Idico gia hạn thời gian chi trả cổ tức năm 2018.
Bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp về việc chi cổ tức trong vòng 6 tháng kể từ ngày được thông qua tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, công ty đã phải thực hiện việc này vào ngày 18/11/2019.
Tuy nhiên, cũng với lý do ưu tiên nguồn vốn, Cường Thuận Idico đã gia hạn thời gian chi trả đến quý I/2020. Theo đúng kế hoạch, công ty dự kiến chia cổ tức năm 2018 là 12% bằng tiền mặt.
Trên thị trường chứng khoán, Cường Thuận Idico luôn nằm trong danh sách những "đại gia" có "thói quen" gia hạn thời gian chi trả cổ tức cho cổ đông, ví dụ như khoản cổ tức năm 2017 cũng bị lùi 3 tháng so với dự kiến (từ tháng 12/2018 đến tháng 3/2019).
Mặc dù Cường Thuận Idico đã lý giải nguyên nhân của những lần xin gia hạn cổ tức là do ưu tiên nguồn vốn cho các dự án kinh doanh, tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại cho rằng, công ty này đang gặp vấn đề về dòng tiền.
Kết quả kinh doanh năm 2019 của Cường Thuận Idico ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 797 tỷ đồng và lãi ròng hơn 80 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 13% và 35% so với năm trước. Đây là kết quả lãi ròng thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2019 của doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Đồng Nai này.
So với kế hoạch kinh doanh được đề ra, Cường Thuận Idico chỉ thực hiện 61% về doanh thu và 59% về lãi sau thuế năm 2019. Trong khi đó, đây là kế hoạch mà công ty đã bất ngờ thay đổi hồi cuối năm 2019.
Cụ thể, công ty đã điều chỉnh kế hoạch doanh thu giảm từ 1.305 tỷ đồng về 854 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế kế hoạch giảm từ 141,5 tỷ đồng về 99,8 tỷ đồng, tương ứng giảm 35% và 29% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2019 thông qua.
Tại thời điểm 31/12/2019, tổng tài sản của công ty đạt hơn 4.566 tỷ đồng, tăng 3% so với hồi đầu năm; giá trị hàng tồn kho tăng 66% lên 222 tỷ đồng; nợ phải trả tăng nhẹ 5% lên 3.109 tỷ đồng so với đầu năm.
Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh các quyết định liên quan đến tài chính của ban lãnh đạo Cường Thuận Idico gần đây |
Dấu hỏi cổ phiếu quỹ
Tại thời điểm Cường Thuận Idico tiếp tục xin gia hạn thời gian chi trả cổ tức cho cổ đông, công ty đang có kế hoạch chào mua công khai 18,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương 30% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Tại thời điểm này, giá cổ phiếu ITC trên sàn chứng khoán đang giao dịch quanh vùng giá 22.000 đồng/cp. Do đó, để mua được lượng cổ phiếu quỹ nói trên, Cường Thuận Idico phải chi ra ít nhất là gần 500 tỷ đồng và chắc chắn nguồn tiền được sử dụng là từ lợi nhuận chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển, thặng dư vốn cổ phần.
Tuy nhiên, chỉ sau khi công bố hoãn chi trả cổ tức khoảng hơn 10 ngày, Cường Thuận Idico đã công bố tờ trình lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc huỷ phương án chào mua công khai lượng cổ phiếu quỹ nói trên.
Theo chia sẻ của ban lãnh đạo Cường Thuận Idico, nguyên do của sự thay đổi phương án mua cổ phiếu quỹ là bởi tình hình thị trường chứng khoán diễn biến phức tạp và các kế hoạch tài chính của công ty cũng đang phải điều chỉnh đề phù hợp với chiến lược giai đoạn sắp tới, nhưng vẫn không quên nhấn mạnh "không từ bỏ hoạt động mua cổ phiếu quỹ".
Theo thông tin công bố đợt này, những người điều hành công ty sẽ trình cổ đông chấp thuận một phương án mua cổ phiếu quỹ khác (hơn 15,4 triệu cổ phiếu, tương ứng 24,5% vốn điều lệ) để thay thế.
Đáng chú ý, để ấn định số cổ phiếu quỹ mua lại này, HĐQT Cường Thuận Idico đã phải thông qua rồi huỷ đến 3 phương án (kể cả phương án mua 18,9 triệu cổ phiếu vừa bị huỷ).
Động thái mua cổ phiếu quỹ của Cường Thuận Idico diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu ITC đang trong đà giảm khá sâu, thủng đáy 3 năm và hiện đang giao dịch tại mức giá 19.100 đồng/cp.
Thế nhưng, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của công ty có lẽ không liên quan trọng yếu đến việc ổn định giá cổ phiếu trong mùa dịch Covid-19 như nhiều doanh nghiệp khác đã thực hiện. Bởi lẽ kế hoạch này đã được ban lãnh đạo công ty "thai nghén" từ những ngày đầu năm 2020, khi mà virus Corona chủng mới còn chưa được biết đến.
Đặc biệt, trong thời gian doanh nghiệp lên kế hoạch mua cổ phiếu quỹ, việc nhiều lãnh đạo của Cường Thuận Idico cũng đăng ký bán ra hàng triệu cổ phiếu đã làm dấy lên nhiều nghi ngại.
Ngoài ra, tại lần thông qua quyết định mua cổ phiếu quỹ gần nhất (18,9 triệu đơn vị), biên bản kiểm phiếu của công ty cho biết, có 542 lá phiếu gửi cho lượng cổ đông tương đương, đã nhận lại được 46 lá phiếu tương ứng với hơn 45,8 triệu cổ phần, chiếm tỷ lệ 72,8% số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty đã thông qua.
Như vậy, có thể thấy lượng cổ phiếu của công ty khá cô đặc vì tập trung vào một số lượng nhỏ các cổ đông. Các cổ đông hiện hữu có thể có những thắc mắc liệu 27,2% cổ đông còn lại sẽ là người bán cổ phiếu cho công ty hay chính cổ đông bỏ phiếu thông qua mới là người thực sự muốn bán vì trong biên bản cũng không nói rõ khoảng giá mua vào cổ phiếu quỹ?
Rõ ràng, Cường Thuận Idico đang rất cần vốn để kinh doanh (theo văn bản hoãn cổ tức) nhưng thay vì đầu tư vào các mảng kinh doanh tiềm năng thì ban lãnh đạo doanh nghiệp lựa chọn đầu tư vào chính cổ phiếu của mình là điều khó hiểu, dù cổ phiếu quỹ cũng là một khoản đầu tư nhưng lại khá rủi ro nếu thị trường biến động hoặc tình trạng kinh doanh của doanh nghiệp không tăng trưởng.
Linh Đan