Trong top 10 doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán sở hữu nhiều tiền mặt nhất trong năm 2019 có đến 9 doanh nghiệp đang nắm trong tay lượng tiền mặt trên 10.000 tỷ đồng.
10 "ông vua tiền mặt" năm 2019 (Ảnh: Thanh Hoa) |
ACV vượt PV Gas
Thống kê tại báo cáo tài chính năm 2019 của 10 “ông vua” tiền mặt trên thị trường chứng khoán bao gồm PV GAS, ACV, Vingroup, Petrolimex, Masan, Sabeco, VRG, Vinamilk, VEAM và FPT, tổng số tiền đã lên tới trên 186.203 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018.
Đáng lưu ý, top 10 năm 2019 đã có sự thay đổi đáng kể về thứ tự. Theo đó, Tổng công ty cổ phần Cảng hàng không (ACV, mã: ACV) đã vươn lên vị trí dẫn đầu với 31.271 tỷ đồng, trong khi Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã: GAS) tụt hạng sau 4 năm chiếm ngôi đầu, nắm giữ 29.391 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính của ACV cho thấy, lượng tiền các loại của doanh nghiệp tăng hơn 6.900 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương với mức tăng trưởng lên tới 28% so với cuối năm 2018. Trong khi đó, lượng tiền các loại của PV GAS cũng tăng gần 1.100 tỷ đồng so với cuối năm 2018, chiếm tới 47,2% quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp (cùng kỳ năm ngoái chỉ ở mức 45,2%).
Tập đoàn Vingroup (mã: VIC) cũng là tên tuổi khá nổi, đứng ở vị trí thứ 3. Đến ngày 31/12/2019, riêng tiền mặt của Vingroup đã là 28.909 tỷ đồng, tăng tới 86% so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, nếu so với tổng tài sản của doanh nghiệp, lượng tiền mặt chỉ chiếm khoảng 7%.
Không kém cạnh là Tổng công ty Máy động lực và nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã: VEA), tính đến cuối năm 2019 nắm giữ tới 16.842 tỷ đồng lượng tiền mặt các loại.
Trong khi đó, kết thúc năm tài chính 2019, doanh nghiệp lớn nhất ngành xăng dầu (Petrolimex, mã: PLX) ghi nhận mức tăng tiền mặt tới 1.741 tỷ đồng so với cuối năm 2018, với tổng cộng 16.676 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này cũng không giúp Petrolimex "trụ hạng" ở vị trí thứ 4 như năm ngoái.
Về tay tỷ phú Thái, lượng tiền mặt của Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã: SAB) liên tiếp tăng. Theo báo cáo tài chính năm 2017, Sabeco có lượng tiền mặt 10.827 tỷ đồng, năm 2018 là 12.012 tỷ đồng. Tính đến thời điểm tháng 12/2019, Sabeco có tới 16.509 tỷ đồng tiền mặt, tăng mạnh so với con số 12.012 tỷ đồng ghi nhận cuối năm 2018 và chiếm tới 60% tổng tài sản.
CTCP sữa Việt Nam (Vinamilk, mã: VNM) trong năm 2019 ghi nhận lượng tiền mặt ở mức 15.101 tỷ đồng, đứng thứ 7 trong nhóm 10 doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất. Tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, mã: GVR): 13.683 tỷ đồng; CTCP FPT (mã: FPT): 10.236 tỷ đồng; CTCP Tập đoàn Masan (mã: MSN): 7.585 tỷ đồng.
Giúp doanh nghiệp “cơ động”
Có thể thấy, những "đại gia nhiều tiền" trên đều là những doanh nghiệp đầu ngành trong từng lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế Việt Nam, từ hàng không, dầu khí, công nghiệp, bất động sản đến hàng tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, “tiền mặt là vua” là cách ví von được giới tài chính dùng để nói về tầm quan trọng của tiền mặt. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng việc nắm giữ tiền mặt nhiều hay ít phụ thuộc vào nhu cầu của doanh nghiệp, cũng như suy tính ngắn hoặc dài hạn của các doanh nghiệp.
Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp đều phải nắm giữ một lượng tiền mặt nhất định, dù ít hay nhiều, bởi nguồn tiền mặt dồi dào sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động đầu tư dự án, mua bán - sáp nhập khi có cơ hội.
Chẳng hạn, nhờ có lượng tiền mặt dồi dào giúp cho Vingroup mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ và cần nguồn vốn lớn như sản xuất ô tô. Hay như Masan trong năm qua đã "mạnh tay" mua lại mảng bán lẻ của Vingroup và chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty Bột giặt NET (NETCO) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá doanh nghiệp 46 triệu USD.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngắn hạn như: Vingroup đầu tư tài chính ngắn hạn là hơn 10.400 tỷ đồng; VEAM có tới 11.265 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn.
Với các doanh nghiệp, mục tiêu kinh doanh là để sinh lời, tất yếu sẽ không để tiền “nằm chết”, mà cố gắng tìm cách quay vòng, đem lại hiệu quả sinh lời cao nhất. Tuy nhiên, nếu cảm thấy thời điểm đầu tư không an toàn, sinh lời thấp hoặc chưa có phương án kinh doanh tối ưu, doanh nghiệp có thể chọn gửi ngân hàng, vừa an toàn mà vẫn sinh lời.
Có thể điểm tên những “đại gia” tiền mặt còn gửi ngân hàng và thu về vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng lãi tiền gửi mỗi năm như AVG có gần 350 tỷ đồng là tiền gửi không kỳ hạn và gần 31.000 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn. Với số tiền đem gửi vào ngân hàng, ACV thu được về xấp xỉ 1.796 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với lãi tiền gửi trong năm 2018.
Còn Sabeco với số tiền rất lớn đem gửi ngân hàng, ghi nhận doanh thu tài chính ở mức 890 tỷ đồng, trong đó lãi tiền gửi, tiền cho vay chiếm 855 tỷ đồng.
Ngoài ra, giới phân tích cho rằng khi có lượng tiền mặt dư dả, doanh nghiệp cũng yên tâm hơn nếu gặp những rủi ro về tài chính, chủ động trang trải các chi phí hoạt động, xử lý những tình huống khẩn cấp.
Thanh Hoa