Cần phân tích kỹ lưỡng trước khi đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. |
CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã: OGC) vừa công bố BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm với nhiều ý kiến của kiểm toán.
Theo đó, kiểm toán viên cho rằng, tại thời điểm cuối quý II/2020, Ocean Group có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai một số dự án đầu tư. Tuy nhiên, tại ngày lập BCTC hợp nhất giữa niên độ, Ocean Group cùng các đối tác liên quan chưa cung cấp đủ thông tin và tài liệu các giao dịch này. Qua đó, phía kiểm toán không thể đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của dự án.
Ngoài ra, tại ngày 30/6/2020, Ocean Group cũng có các khoản cho vay, hỗ trợ vốn và các khoản phải thu về lãi vay, chi phí sử dụng vốn và các khoản đầu tư khác đã quá hạn thanh toán. Tương tự các khoản nợ phải thu, phía kiểm toán cũng không đánh giá được giá trị có thể thu hồi của các khoản này cũng như giá trị dự phòng cần trích lập.
Qua đó, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, kiểm toán cũng đặc biệt nhấn mạnh sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group khi lỗ lũy kế hơn 2.722 tỷ đồng tại ngày 30/6. Đồng thời, phía kiểm toán cũng lưu ý về các khoản tài sản và nợ tiềm tàng.
Tương tự Ocean Group, do thua lỗ liên tiếp từ năm 2012 đến nay, CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart, mã: VST) cũng bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục bởi lỗ lũy kế đã lên tới 2.220 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 2.002 tỷ đồng.
Ngoài ra, tại thuyết minh số 19 - vay, các khoản nợ vay đã quá hạn thanh toán của công ty là 773 tỷ đồng, chủ yếu của Ngân hàng TMCP Á Châu. Công ty chưa có phương án hiệu quả khắc phục khả năng thanh khoản cũng như tìm được nguồn tiền để thanh toán các khoản vay đến hạn trong vòng 12 tháng tới trong điều kiện hoạt động bình thường.
Đặc biệt, Vitranschart còn đang phải đối mặt với các vụ kiện của ngân hàng về việc phải thanh toán ngay các khoản vay và không thể đảm bảo thanh toán nếu bị thi hành án. Kiểm toán kết luận: “Thực tế này cho thấy sự tồn tại của các yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động của công ty”.
Danh sách các doanh nghiệp bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục cũng "điểm tên" CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex, mã: FTM). Mới đây, công ty đã công bố BCTC soát xét bán niên năm 2020 với khoản lỗ gần 102 tỷ đồng phát sinh và lưu chuyển tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 46 tỷ đồng.
Cùng với đó là các khoản vay ngân hàng quá hạn chưa được thanh toán gần 287 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền hơn 191 tỷ đồng.
Kiểm toán cho biết, khả năng hoạt động liên tục của Fortex phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của công ty.
Những điều kiện này cùng các vấn đề như đã trình bày cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Tại thời điểm 30/6, công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi quá hạn thanh toán số tiền gần 7 tỷ đồng. Theo đó, nếu khoản dự phòng này được ghi nhận, trên báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh chỉ tiêu “chi phí quản lý doanh nghiệp” tăng số tiền gần 7 tỷ đồng, đồng thời chỉ tiêu “lợi nhuận kế toán trước thuế” giảm số tiền tương ứng.
Trên bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu “dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” sẽ tăng thêm gần 7 tỷ đồng, chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” cũng sẽ giảm đi số tiền tương ứng.
Giải trình về vấn đề này, Fortex cho biết khoản lỗ phát sinh và luồng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm cùng với nợ vay và lãi quá hạn ngân hàng 6 tháng đầu năm chủ yếu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành sợi khiến doanh thu công ty sụt giảm mạnh.
Một đại diện khác của ngành dệt may là CTCP Dệt – May Nha Trang (mã: NTT) cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi tại ngày 30/6/2020, công ty có khoản nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn gần 77 tỷ đồng. Cùng nguyên nhân với Dệt – May Nha Trang, CTCP Cán thép Thái Trung cũng bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Thực tế, những ý kiến ngoại trừ trên BCTC soát xét của kiểm toán xưa nay vẫn phổ biến nhưng đang có dấu hiệu gia tăng trong kỳ báo cáo lần này bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các doanh nghiệp gặp khó trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo đó, các chuyên gia cho rằng, để đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp này, nhà đầu tư phải sử dụng nhiều biện pháp phân tích riêng và dựa thêm các kênh thông tin khác để ước lượng ngưỡng an toàn cho danh mục.
M.Khuê