Theo quy định, mỗi năm doanh nghiệp sẽ có 2 kỳ báo cáo tài chính (BCTC) phải kiểm toán, gồm bán niên và cả năm. Đối với BCTC bán niên, chậm nhất là ngày 14/8, các doanh nghiệp niêm yết phải công bố những con số đã được kiểm toán, trường hợp được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận gia hạn thì thời hạn là 29/8.
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có hơn 200 BCTC kiểm toán bán niên 2020 đã được công bố trên cổng thông tin của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Biến động bất ngờ
CTCP Tập đoàn Đất Xanh (mã: DXG) vừa gây xôn xao giới đầu tư tài chính khi công bố BCTC hợp nhất bán niên được kiểm toán bởi E&Y khi chuyển từ lãi thành lỗ đậm trong nửa đầu năm 2020.
Cụ thể, nếu tại báo cáo tự lập, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ của Đất Xanh đạt 38 tỷ đồng thì sau khi kiểm toán đã chuyển thành... lỗ 488 tỷ đồng! Nguyên nhân là trong quá trình soát xét, E&Y đã xác định khoản chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Đầu tư LDG (mã: LDG) thực hiện vào tháng 7 là phát sinh sau niên độ và yêu cầu Đất Xanh phải trích lập dự phòng 526 tỷ đồng khiến chi phí tài chính gấp 4,4 lần trước kiểm toán.
Tương tự, CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (FLC GAB, mã: GAB) cũng vừa công bố BCTC kiểm toán bán niên 2020 với doanh thu từ hoạt động tài chính (lãi tiền gửi, tiền cho vay) bị điều chỉnh giảm 42%, từ 1,85 tỷ đồng trong báo cáo tự lập xuống còn 1,1 tỷ đồng trong báo cáo kiểm toán. Ngoài ra, chi phí bán hàng ghi nhận tăng từ 2,1 tỷ đồng lên thành 2,5 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận sau thuế của FLC GAB chỉ còn 554 triệu đồng, giảm 61% so với báo cáo tự lập.
Những con số chênh lệch khiến nhà đầu tư bối rối trong quyết định đầu tư . |
Một doanh nghiệp khác cũng ghi nhận những biến động mạnh tại BCTC kiểm toán là Tổng CTCP Điện tử và Tin học Việt Nam (mã: VEC): tăng lỗ thêm 3,5 tỷ đồng đồng so với báo cáo tự lập lên 4,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020.
Hay như trường hợp của CTCP Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (mã: KLF). Sau soát xét, các khoản chi phí của công ty đều ghi nhận chênh lệch tăng so với báo cáo tự lập, trong đó đáng kể nhất là chi phí tài chính tăng 129% từ 10,6 tỷ đồng lên hơn 24 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 96% từ 4,4 tỷ đồng lên 8,7 tỷ đồng. Vì thế, kết quả lợi nhuận sau thuế giảm từ 21,2 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,5 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2020.
Không chỉ ghi nhận lợi nhuận sụt giảm hay từ lãi thành lỗ, lỗ chồng lỗ, mà tại BCTC soát xét của nhiều doanh nghiệp còn xuất hiện những ý kiến ngoại trừ, nhấn mạnh của kiểm toán.
Có thể kể đến như CTCP Cán thép Thái Trung (mã: TTS) - đơn vị có liên quan đến Gang Thép Thái Nguyên, CTCP Đầu tư DNA (mã: KSD), CTCP Than Hà Tu - Vinacomin (mã: THT), CTCP Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (mã:PXL), CTCP Đầu tư dầu khí Sao Mai - Bến Đình (mã: PSB)...
Nghi vấn "làm đẹp báo cáo"
Hậu quả của những con số chênh lệch là cổ phiếu trên sàn chứng khoán bị ảnh hưởng, không chỉ khiến nhà đầu tư bất ngờ mà còn bối rối trong quyết định mua bán, cũng như niềm tin đối với doanh nghiệp.
Chỉ sau khi nhận được BCTC kiểm toán bán niên 2020 một ngày, cổ phiếu DXG của Đất Xanh đã bị HoSE đưa vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).
Lâu nay, DXG vẫn là một trong những cổ phiếu bất động sản được ưa thích với khối lượng giao dịch bình quân trong 10 phiên gần nhất đạt hơn 3,9 triệu cổ phiếu. Giá cổ phiếu DXG cũng giảm 3 phiên liên tiếp từ 9.680 đồng/cp xuống 9.000 đồng/cp ở thời điểm hiện tại, tương đương mức giảm 7%.
Theo dự báo của các chuyên gia chứng khoán, danh sách bị cắt margin trên cả 2 sàn chứng khoán có thể sẽ kéo dài hơn bởi tính đến thời điểm hiện tại thì số lượng các doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh thua lỗ tương tự đã lên đến hàng trăm đơn vị.
Hay như trường hợp cổ phiếu YEG của Yeah1 vẫn tiếp tục bị duy trì diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế tại BCTC soát xét suy giảm tới 90%.
Thực tế, đối với sự chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán, không chỉ có những con số giảm mà vẫn có những con số tăng lên giữa 2 BCTC. Có thể lấy ví dụ trường hợp của CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã: SMC) lợi nhuận sau thuế tại BCTC riêng lẻ sau kiểm toán tăng thêm 220% lên 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đối với thị trường chứng khoán, những trường hợp bị điều chỉnh giảm vẫn được chú ý nhiều hơn bởi sự nhạy cảm hơn với yếu tố trung thực của lãnh đạo doanh nghiệp. Trong trường hợp lợi nhuận tăng, chênh lệch được cho là đến từ sự thận trọng của doanh nghiệp, nhưng với trường hợp lợi nhuận giảm hoặc lỗ nặng thêm thì nguyên nhân chính là kiểm toán không đồng ý với một số hạch toán của doanh nghiệp.
Mặc dù lâu nay lý do bào chữa cho sự khác biệt này vẫn là từ chính sách hạch toán, kế toán khác nhau nhưng không có nghĩa sai biệt hoàn toàn do khách quan. Từ đây dấy lên nghi vấn về trường hợp cố tình vi phạm chuẩn mực kế toán, hoặc lựa chọn phương án có lợi hơn để "làm đẹp báo cáo".
Chưa kể nhiều trường hợp thậm chí còn lặp đi lặp lại những khoản mục khiến kiểm toán phải đưa ra những ý kiến nhấn mạnh hoặc ngoại trừ thì càng khó đánh giá được mức độ trung thực của doanh nghiệp.
Bảo Hân