Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu ngành thép đã có tỷ lệ tăng giá vượt trội hơn so với thị trường chung trong 11 tháng đầu năm. Đơn cử như cổ phiếu HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát ghi mức mức tăng 112,7%, cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen tăng gần 130%, trong khi Vn-Index chỉ tăng nhẹ 3,12%;
Hay như với cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn, hàng loạt mã mặc dù có mức sinh lợi thấp hơn HSG và HPG nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với thị trường chung.
Lãnh đạo “tranh thủ” chốt lời
Mới đây, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen – tổ chức liên quan đến Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ đã đăng ký bán 30 triệu cổ phiếu HSG với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính của công ty.
Thời gian dự kiến giao dịch thực hiện từ 25/11 đến 24/12. Nếu giao dịch thành công sẽ giảm sở hữu từ 16,45% về còn 9,7% vốn điều lệ. Trước đó, trong tháng 6/2020, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã thực hiện 2 đợt bán ra cổ phiếu HSG, tổng khối lượng bán là 35 triệu cổ phiếu.
Trong top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE tuần 16-20/11 có tới 4 cái tên thuộc ngành thép. |
Có diễn biến tương tự Hoa Sen, CTCP Thép Nam Kim cũng mới có thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ là ông Võ Thời-thành viên HĐQT. Theo đó, ông Thời đăng ký bán 775.090 cổ phiếu NKG, tương ứng với tỷ lệ 0,43% là toàn bộ số cổ phiếu mà vị lãnh đạo này nắm giữ tại Thép Nam Kim.
Phương thức thực hiện giao dịch là thỏa thuận hoặc khớp lệnh với thời gian dự kiến giao dịch từ 26/11 đến 25/12/2020.
Quyết định bán ra của Thành viên HĐQT xuất hiện giữa bối cảnh cổ phiếu NKG liên tục bứt phá trong thời gian gần đây. Tính trong tháng 11 này, NKG đã tăng giá hơn 43%, thuộc nhóm cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn chứng khoán.
Ngoài HSG và NKG, người trong cuộc tại các doanh nghiệp ngành thép khác cũng quyết định bán ra trong bối cảnh các cổ phiếu ngành thép đang gây ấn tượng với các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán.
Vừa qua, tại CTCP Đầu tư Thương mại SMC, bà Đoàn Thị Mỹ Lệ- kế toán trưởng công ty cũng đã bán trực tiếp trên sàn 14.110 cổ phiếu SMC vào ngày 18/11.
Đây là phiên giao dịch tăng trần thứ 2 liên tiếp của SMC kể từ đầu tháng 11, đóng cửa tại mức giá 15.400 đồng/cp, tăng 33,3% so với đầu tháng và gần 50% so với đầu năm. Tại mức giá này, bà Lệ có thể thu về gần 220 triệu đồng.
Hay hồi đầu tháng 11, thành viên HĐQT Hòa Phát ông Tạ Tuấn Quang cũng đã bán thành công 900.000 cổ phiếu HPG. Tại mức giá ngày 2/11 của HPG là 30.600 đồng/cp, ông Quang đã thu về hơn 27,5 tỷ đồng.
Không nên quá lo lắng
Trước những thông báo bán ra đồng loạt của các lãnh đạo cũng như cổ đông lớn của các doanh nghiệp ngành thép đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư.
Lâu nay mọi hoạt động mua bán của những người nội bộ doanh nghiệp luôn được các nhà đầu tư theo sát do đây là nhóm người nắm rõ nhất tình hình tài chính, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Hay nói cách khác đây là những người làm chủ thông tin.
Theo đó, khi họ đăng ký bán cổ phiếu, nhất là với số lượng lớn nhiều nhà đầu tư sẽ đặt ra câu hỏi, lý do bán ra là gì?
Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong quá trình hình thành và phát triển của thị trường chứng khoán, đã có không ít bài học về việc những người nội bộ bán cổ phiếu “tháo chạy” trước khi những thông tin xấu của doanh nghiệp được công bố.
Tuy nhiên, đối với động thái bán ra tại nhóm doanh nghiệp thép vừa qua, các chuyên gia nhận định, tới đây cổ phiếu ngành này có thể “hạ nhiệt” điều chỉnh trước áp lực chốt lời lớn nhưng điều này là cần thiết để giúp cổ phiếu lấy lại sự cân bằng nhằm tiệm cận mức tăng tới trong tương lai.
Thực chất, đà tăng giá của các cổ phiếu ngành thép trong thời gian qua xuất phát chính từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp là sự khởi sắc về kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay.
Năm 2020 là năm khá đặc biệt khi hầu hết các doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh đều chịu tác động mạnh từ dịch bệnh Covid-19. Ngành thép cũng là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất khi hàng loạt dự án bị đình trệ, thậm chí ngừng hoạt động nhưng cũng không hoàn toàn không có cơ hội.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán BIDV (BSC) đã đưa ra triển vọng khả quan trong những tháng cuối năm 2020 của ngành thép dựa trên hai yếu tố.
Với thị trường nội địa, giai đoạn triển khai xây dựng các dự án hạ tầng đầu tư công hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng. Do đó, ống thép tiếp tục hồi phục tốt nhờ xây dựng dân dụng và hoạt động sản xuất.
Với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu phôi thép và tôn mạ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc nhưng sẽ giảm dần về cuối năm nay. Ngoài ra, giá nguyên liệu thô và giá bán sẽ thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong ngành thép vào quý IV, sẽ tạo đà cho một bức tranh kinh doanh tươi sáng.
Minh Khuê