Savills ước tính nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM sẽ giảm 9% trong năm 2019 và có thể duy trì đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, Chứng khoán KIS Việt Nam (KIS) cho rằng một số nhà phát triển đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới ở các thành phố cấp 2, sẽ thúc đẩy nhu cầu thép.
Tín hiệu tích cực
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tăng trưởng tiêu thụ thép trong 10 tháng năm 2019 đang chậm lại khi tổng doanh số bán hàng nội địa của các thành viên Hiệp hội chỉ tăng 7,88%. Sản lượng tiêu thụ thép chịu ảnh hưởng bởi tốc độ tăng trưởng thấp hơn của các hoạt động xây dựng (8,3% trong 9 tháng đầu năm 2019 so với 9,2% vào năm 2018).
10 tháng qua, toàn ngành thép trong nước đã sản xuất 20,98 triệu tấn thép (tăng 4,6%), bán được 19,17 triệu tấn. Đáng chú ý, hoạt động xuất khẩu (XK) tôn mạ và ống thép đang gặp khó khăn, giảm lần lượt 21% và 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng 10,2% của thị trường tôn mạ nội địa giúp tiêu thụ chỉ giảm nhẹ 4%.
Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng tăng nhẹ 5%, thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm 2018 (13,8%), do tốc độ tăng trưởng XK giảm đáng kể (6% so với 35%).
Mặt tích cực của ngành thép là sự tăng trưởng nhanh chóng của mảng thép cán nóng (HRC) với sự tăng trưởng mạnh trong sản xuất, bán hàng và XK (lần lượt là 25%, 27% và 59%).
Điểm tích cực của ngành thép trong dài hạn còn đến từ dự án Khu liên hợp thép Dung Quất sẽ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất của thép dài và sản phẩm HRC tấn công vào thị trường tôn mạ.
Dự kiến công suất sẽ tăng từ 2,3 triệu tấn lên đến 4,3 triệu tấn/năm (chưa bao gồm HRC) và thị phần cũng tăng đáng kể từ 24% đến hơn 30% (có thể là 35% khi đạt công suất tối đa).
Bên cạnh đó, giá thép của Hòa Phát đã giảm 10,8% từ đầu năm đến nay, nhanh hơn các công ty cùng ngành khác như Pomina và VinaKyoei. Ngoài ra, Việt Nam đang áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép nhập khẩu và thép dài từ tháng 3/2016 – 3/2020.
Nhờ vậy, thép Trung Quốc mất lợi thế về mặt giá so với các công ty thép trong nước, giúp cho các năm 2016, 2017, 2018 và thậm chí là 10 tháng năm 2019 đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể của nhập khẩu thép Trung Quốc.
Trong trường hợp xấu nhất, nếu thuế tự vệ không được áp dụng, Chứng khoán KIS ước tính áp lực từ nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ không còn cao như trước năm 2016. Việc thu hẹp hàng tồn kho của Trung Quốc và thu hẹp chênh lệch giá giữa thép Trung Quốc và Việt Nam sẽ không khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc XK sang Việt Nam.
Nhiều cổ phiếu ngành thép đang giao dịch tích cực trở lại |
Cổ phiếu ngành thép sẽ trở lại?
Thực tế, những hệ luỵ từ tình trạng dư cung và sự biến động mạnh mẽ của giá nguyên liệu đầu vào đã khiến các DN ngành thép trải qua 9 tháng năm 2019 báo lỗ lớn hoặc có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ.
DN ngành thép có nhiều câu chuyện nhất năm 2019 vừa qua chắc hẳn là Thép Dana Ý (mã: DNY). Sau bê bối làm ảnh hưởng môi trường, Thép Dana Ý đã phải tạm dừng sản xuất 12 tháng (tính đến hết quý III/2019), tương ứng với đó là 4 quý lỗ liên tiếp với tổng lỗ hơn 320 tỷ đồng, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2019 lỗ hơn 262 tỷ đồng.
Cùng với diễn biến tiêu cực trong kinh doanh, cổ phiếu DNY trên sàn chứng khoán cũng lao dốc, hiện đang giao dịch tại mức giá 1.300 đồng/ cp, giảm khoảng 70,5% so với cách đây một năm.
Không có câu chuyện đặc biệt nào, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung toàn ngành, Thép Pomina (mã: POM) cũng ghi nhận khoản lỗ lên tới hơn 250 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2019.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu POM đã giữ nguyên mức giá 6.000 đồng/cp 5 phiên liên tiếp gần đây với mức thanh khoản trung bình vài trăm đơn vị mỗi phiên. Tại mức giá này, cổ phiếu POM đã giảm hơn 31% so với đầu năm 2019.
Các DN thép khác dù không lỗ nhưng phần lớn đều có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, ngay cả “vua thép” Hòa Phát cũng không nằm ngoài xu hướng chung.
Cụ thể, trong quý III/2019, doanh thu của Hòa Phát đạt 15.087 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 1.794 tỷ đồng, giảm đến 25%. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần tăng 10% lên hơn 45.680 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ còn 5.655 tỷ đồng, giảm 17%.
Tuy nhiên, bất chấp bức tranh kinh doanh không mấy tươi sáng, trong khoảng một tháng trở lại đây, cổ phiếu HPG trên thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu chuyển mình khi liên tiếp tăng từ vùng giá 21.300 đồng/cp lên 23.850 đồng/cp.
Không chỉ cổ phiếu HPG, cổ phiếu HSG của “vua tôn” Hoa Sen thời gian gần đây đã có những chuyển biến tích cực với đà tăng liên tiếp từ đầu tháng 10 tới nay. Theo đó, thị giá của HSG đã vươn lên 8.030 đồng/cp từ vùng giá 6.500 đồng/cp.
Tương tự, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim, cổ phiếu TLH của Thép Tiến Lên… cũng đang có chiều hướng đi lên về thị giá.
Nhìn vào những diễn biến tích cực kể trên cùng với một vài điểm sáng từ giá cổ phiếu trong bức tranh đậm màu xám, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng về một sự trở lại của ngành thép trong thời gian tới.
Linh Đan