Theo thông tin Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sau khi gặp nhiều khó khăn trong quý I, sang quý II, tiêu thụ thép đã phục hồi đáng kể. Sản lượng bán thép xây dựng nội địa tăng 13,2% so với quý trước, tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu thép cũng đang có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm sâu trong quý I, đạt 300.438 tấn trong tháng 6, tăng 14,5% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 6 tháng, xuất khẩu thép các loại chỉ đạt 1.855.267 tấn, giảm 24,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch bệnh là “phép thử”
Theo đánh giá của giới chuyên gia, dịch Covid-19 đang tạo ra khá nhiều khó khăn cho nền kinh tế nói chung và ngành thép nói riêng, nhưng cũng là “phép thử” để các doanh nghiệp tái cơ cấu nâng cao sức cạnh tranh và chiếm lĩnh thị phần.
Thực tế, trong kỳ công bố báo cáo tài chính quý II vừa qua, ngành thép vẫn có những “chiến binh” báo lãi lớn, một số giảm lợi nhuận nhưng không lâm vào tình trạng lỗ như những nhóm ngành khác.
Đầu tiên phải kể đến “đại gia” CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG) ghi nhận tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận. Theo đó, trong quý II, Hòa Phát đạt 20.422 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế 2.755 tỷ đồng, đều tăng 35% so với cùng kỳ.
Cổ phiếu ngành thép đang có diễn biến khá tích cực trên thị trường chứng khoán (Ảnh: internet) |
Lũy kế 6 tháng, Hoà Phát đạt 40.145 tỷ đồng doanh thu và 5.060 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 29% và 31% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch kinh doanh năm 2020 được ĐHĐCĐ thông qua cuối tháng 6, công ty đã thực hiện được 47% doanh thu và 56% lợi nhuận.
Tương tự, CTCP Tập đoàn Hoa Sen cũng công bố doanh thu và lợi nhuận hợp nhất quý III niên độ tài chính 2019 - 2020 lần lượt đạt gần 6.834 tỷ đồng và 318 tỷ đồng. Luỹ kế 9 tháng đầu niên độ, công ty ghi nhận doanh thu xấp xỉ 19.200 tỷ đồng và thực hiện 69% kế hoạch cả năm, lợi nhuận sau thuế gần 690 tỷ đồng và vượt 72% kế hoạch.
Đáng chú ý nhất phải kể đến CTCP Thép Việt Ý (mã: VIS) đã thoát lỗ thành công trong quý II/2020 với khoản lợi nhuận dương hơn 16 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 7 quý liên tiếp chìm trong con số âm.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ quý I nên lũy kế 6 tháng đầu năm, Thép Việt Ý chỉ ghi nhận 1.658 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 30% so với cùng kỳ và vẫn phải ghi lỗ hơn 32 tỷ đồng. Được biết, trong năm nay, công ty dự kiến vẫn lỗ gần 66 tỷ đồng.
Mặc dù vẫn dự kiến lỗ trong năm nay nhưng những con số của quý II đã phần nào phát đi tín hiệu khởi sắc cho Thép Việt Ý trong giai đoạn tới. Đồng thời, thể hiện được những chuyển biến tích cực từ công tác quản lý, quản trị của doanh nghiệp.
Ngược lại với tình hình khởi sắc tăng trưởng của các công ty thép nói trên, một số doanh nghiệp báo lãi giảm nhưng không đến mức thua lỗ. Có thể kể đến như Thép Việt Nam (VNSteel, mã: TVN), Gang Thép Thái Nguyên (Tisco, mã: TIS), Ống Thép Việt Đức (mã: VGP).
Cơ hội đầu tư
Thực tế, trong 6 tháng cuối năm 2020, ngành thép được dự báo sẽ còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thử thách bởi xu thế bảo hộ trên thị trường quốc tế, thị trường bất động sản, xây dựng trong nước chưa có tín hiệu khởi sắc. Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất của ngành thép bị gián đoạn.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đến khi ở thị trường trong nước, Chính phủ đang thúc đẩy nhiều hoạt động xây dựng hơn sau khi dỡ bỏ giãn cách do Covid-19. Ngay cả khi làn sóng dịch bệnh thứ 2 bùng phát, Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu "kép" vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.
Hơn nữa, theo ông Nguyễn Văn Sưa – chuyên gia trong lĩnh vực thép, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho ngành thép Việt Nam, và cơ hội sẽ dành cho những doanh nghiệp có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Từ những diễn biến khả quan của ngành nói chung, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu thép cũng đã thu hút được dòng tiền từ các nhà đầu tư hơn so với thời kỳ trước. Trong những phiên giao dịch gần đây, nhiều cổ phiếu thép đã ghi nhận mức tăng đáng kể.
Cụ thể, trong tuần giao dịch đầu tháng 8, cổ phiếu HSG ghi nhận mức tăng trưởng gần 18% lên mức giá 11.200 đồng/cp với 5 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 1 phiên tăng trần. Cổ phiếu HPG cũng ghi nhận mức tăng 11,5%, NKG của Thép Nam Kim tăng 12,3%...
Đáng chú ý, trong một phân tích mới đây, Chứng khoán Mirea Asset đã đưa ra khuyến nghị tích cực đối với cổ phiếu HSG và NKG, với mức P/E dự kiến cho năm 2020 lần lượt là 7,4x và 8,4x.
Theo nhận định của công ty chứng khoán này, động lực tăng trưởng chính của ngành thép Việt Nam trong thời gian qua đến từ sự tái cấu trúc doanh nghiệp, giảm nợ vay và hạn chế đầu tư các dự án mới. Trong khi đó, ngành thép Việt Nam hiện đang bị đánh giá thấp hơn so với tiềm năng, đây là cơ hội đầu tư tốt trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên, ở góc nhìn cẩn trọng, ông Nguyễn Anh Khoa, Giám đốc phân tích Chứng khoán Agribank cho rằng, giá một số cổ phiếu ngành thép, mà điển hình là HPG đã tăng gần gấp đôi trong những tháng vừa qua, vượt mức giá ở thời điểm trước khi có dịch Covid-19, nên đã không còn hấp dẫn.
Do vậy, trong bối cảnh đại dịch vẫn đang bùng phát mạnh mẽ, để hạn chế rủi ro, các nhà đầu tư cần hiểu doanh nghiệp, hiểu yếu tố nội tại trước khi quyết định “đua tiền”.
Linh Đan