Cổ phiếu nhóm Louis gây xôn xao dư luận với nhiều phiên tăng giảm bất thường. |
Thời gian gần đây, Louis Capital liên tục biến động với thay đổi tên thương hiệu, về chủ sở hữu và kéo theo đó là những điều chỉnh về nhân sự lãnh đạo. Đặc biệt, hầu hết các lãnh đạo từ nhiệm chỉ tại vị trong một thời gian ngắn.
Ngày 21/9 vừa qua, Louis Capital cũng đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức danh Thành viên độc lập HĐQT của ông Nguyễn Trung Kiên, do sức khỏe cá nhân không đảm bảo.
Trước đó, ngày 6/9, ông Vũ Anh Sinh đã thôi chức vụ Tổng giám đốc công ty sau khoảng 1,5 tháng được bổ nhiệm (từ ngày 26/7); đồng thời ông Ngô Thục Vũ đã được bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc thay thế ông Sinh.
Cùng thời gian này, ông Sinh đã được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Louis Capital và là người đứng đầu chi nhánh Hà Nội.
Ngoài ra, Louis Capital còn thực hiện bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Kiều Liên làm Trưởng Ban kiểm soát từ ngày 8/9; bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bảo làm Chủ tịch HĐQT công ty từ 30/6/2021.
Vừa qua, cổ phiếu TGG trong hệ sinh thái Louis đã có thời gian dậy sóng trên thị trường khi ghi nhận mức tăng lên tới 62 lần vào thời điểm 21/9/2021 so với cuối năm 2020, từ mức 1.170 đồng/cp lên 73.800 đồng/cp.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày dài tăng phi mã và liên tục phá đỉnh, cổ phiếu TGG đã bị bán tháo mạnh với việc giảm liên tiếp 14 phiên (trong đó có 13 phiên giảm sàn) về mức 28.550 đồng/cp. Tính đến phiến 13/10, TGG đã có sự hồi phục về mức giá 30.500 đồng/cp.
Không chỉ riêng TGG, nhiều tháng gần đây, thị trường chứng khoán nóng lên bởi nhóm cổ phiếu “họ Louis" xoay quanh câu chuyện M&A một loạt các doanh nghiệp chỉ trong vài tháng. Sau khi về cùng mái nhà của Louis Holdings, thị giá các cổ phiếu đều tăng vọt một cách bất thường. Đặc biệt, có cổ phiếu đã tăng giá 13 lần chỉ trong vòng khoảng 3 tháng.
Tuy nhiên, sau khi tăng giá mạnh, hầu hết các cổ phiếu trong "hệ sinh thái Louis" như CTCP Louis Land (mã: BII), Xuất Nhập khẩu An Giang (mã: AGM), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (mã: VKC), Sametel (mã: SMT), DAP-Vinachem (mã: DDV)... đều "lao dốc không phanh".
Nhiều nhà đầu tư kêu gào khi bị kẹt hàng ở mức giá cao, nghi vấn có "bàn tay ma thuật" tác động vào giá cổ phiếu đã được đặt ra. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã bắt đầu thanh tra nhằm bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Về phía Louis, doanh nghiệp liên tiếp phủ nhận nghi vấn "làm giá". "Chúng tôi mong muốn nhà đầu tư ra quyết định đầu tư cẩn trọng và thông thái. Louis Capital gần đây cũng đã đề nghị UBCKNN trong chức năng quyền hạn làm rõ các dư luận về "thao túng giá", tránh thông tin gây nhiễu ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp đang niêm yết. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, UBCKNN và các cơ quan chức năng sẽ có những xem xét và kết luận cụ thể đảm bảo tính minh bạch của thị trường", đại diện Louis Holdings bày tỏ.
Cũng theo vị đại diện này, việc giá cổ phiếu tăng giảm là do cung cầu trên thị trường, dựa vào kỳ vọng của nhà đầu tư vào danh mục và triển vọng của Louis Capital. Ngoài việc tập trung vào các hoạt động kinh doanh, ban lãnh đạo không tham gia hoặc tương tác vào giá cổ phiếu TGG dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo kế hoạch, trong tháng 10/2021, công ty mẹ - CTCP Louis Holdings sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, thông qua kế hoạch phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, tiến đến trở thành công ty đại chúng ngay trong năm nay. Mục đích tăng vốn nhằm tăng sở hữu các doanh nghiệp mà Louis Holdings đang nắm giữ và bổ sung nguồn lực tài chính cho tập đoàn, khai thác triệt để các tài nguyên về nhà máy sản xuất hay các dự án bất động sản mà tập đoàn đang nắm giữ.
Cụ thể, Louis Holdings đặt mục tiêu nắm tỷ lệ sở hữu không thấp hơn 70% cổ phần Louis Capital, nắm quyền chi phối tại Xuất nhập khẩu An Giang, Louis Land. Bằng việc tăng tỷ lệ nắm giữ, Louis Holdings cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh của các công ty thành viên.
Nhìn chung, việc nhóm Louis có "làm giá" cổ phiếu hay không phải chờ kết luận của cơ quan chức năng mới có thể khẳng định. Tuy nhiên, những câu chuyện tương tự nhóm Louis lại không hề hiếm trên thị trường chứng khoán.
Điển hình như câu chuyện của cổ phiếu FTM (CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân). Tại thời điểm FTM gây chấn động thị trường chứng khoán với vài chục phiên tăng trần, và sau đó là chuỗi giảm sàn tương đương, lãnh đạo của doanh nghiệp lúc đó là Chủ tịch HĐQT Lê Mạnh Thường cũng lên tiếng khẳng định “giá cổ phiếu tăng giảm là do cung cầu trên thị trường và lãnh đạo không tham gia vào việc tác động lên giá cổ phiếu”.
Thế nhưng, vừa qua, ông Thường và 1 cá nhân khác đã bị xử phạt 1,2 tỷ đồng liên quan đến hành vi tác động đến giá cổ phiếu FTM.
M.Khuê