Theo báo cáo từ Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), trong tháng 6/2021, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN) đã có xu hướng giảm so với tháng 5: ngô giảm 5,2%, khô dầu đậu tương giảm 2,5%, cám mì giảm 2,6%, bã bắp lên men (DDGS) giảm 1,0%; tuy nhiên giá TACN thành phẩm lại tăng khoảng 2%.
Giá nguyên liệu giảm, giá thành phẩm tăng
Những ngày đầu tháng 7, giá các nguyên liệu TACN chính tiếp tục giữ xu hướng giảm: ngô giảm 2,0%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, DDGS giảm 1,9%. Tuy nhiên, giá TACN thành phẩm vẫn tăng từ 1,7 - 2,0% so với tháng 6. Các doanh nghiệp (DN) lấy lý do sản xuất TACN vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.
Dự báo giá thức ăn chăn nuôi trong tháng 7 sẽ còn tăng khoảng 5%. |
"Xu hướng giá TACN sẽ còn tăng khoảng 5% trong tháng 7. Các DN cho biết, giá nguyên liệu thức ăn hạ nhưng chưa về đến kho của DN", Cục Chăn nuôi nêu.
Trước thực tế này, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản (Tổng cục Thống kê) cho rằng, Bộ NN&PTNT cần phối hợp với các đơn vị liên quan vào cuộc thanh tra và kiểm toán về hạch toán giá thành sản xuất TACN và tỷ lệ lợi nhuận. Phải xác định xem yếu tố nào là nguyên nhân chính khiến giá thành TACN cao.
Từ đó, các đơn vị xem xét việc áp giá trần và xác định mức giá trần đối với giá TACN, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai giá và niêm yết giá của các DN chế biến TACN và các cửa hàng bán TACN, do TACN thuộc Danh mục mặt hàng bắt buộc kê khai giá theo Nghị định số 177/2013/NĐ-CP.
Ông Hùng khuyến nghị, các cơ quan cần khẩn trương rà soát và điều chỉnh thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng đối với nguyên liệu chế biến TACN; khuyến khích DN nội địa tham gia thị trường sản xuất TACN để giảm độc quyền và hành động "làm giá" của DN có vốn đầu tư nước ngoài.
Báo cáo của Cục Chăn nuôi cũng thừa nhận, công tác kiểm tra giám sát chất lượng TACN, nhất là thức ăn sản xuất trong nước, thức ăn nhập khẩu thuộc diện hậu kiểm và miễn kiểm tra chưa được quan tâm nhiều ở các cấp địa phương và trung ương. Việc kiểm tra giám sát hoạt động của các đơn vị được chỉ định cũng chưa được thường xuyên.
Một số hoạt động quản lý nhà nước phải gắn với điều kiện thực tế như đánh giá cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất TACN bị gián đoạn ở một số tỉnh trong vùng dịch phải thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, hiện mới chủ yếu quan tâm đến kiểm soát chất lượng thức ăn nhập khẩu, chưa chú trọng nhiều đến việc thúc đẩy chủ động nguồn thức ăn trong nước.
Hướng tới tự chủ nguồn nguyên liệu
Tuy vậy, Phó Cục trưởng Tống Xuân Chinh cho biết, Cục Chăn nuôi đã trao đổi, cập nhật và họp trực tuyến rất nhiều với hiệp hội, DN sản xuất TACN cả của nước ngoài và Việt Nam để bàn giải pháp "hạ nhiệt" giá mặt hàng này. Thống kê cho thấy, hiện ngành chăn nuôi chính thức có 265 DN, trong đó khối FDI có 89 DN, khối nội có 176 DN. Trước đây, các DN FDI chiếm tới 60,4% thị phần nhưng các DN trong nước thời gian vừa qua đã đầu tư về công nghệ, cải tiến kỹ thuật và năng suất để nâng thị phần lên được 40,2%.
Theo ông Chinh, đối với vấn đề thao túng giá, các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay dựa theo các văn bản quy phạm pháp luật. Luật quy định những DN bị cho là độc quyền khi chiếm tới 30% thị phần của một ngành sản xuất nào đó, còn đối với TACN thì chưa có DN nào đạt được ngưỡng theo quy định này.
"Còn liệu có hay không việc nhóm DN có tổ chức liên kết thao túng giá, chúng tôi không bình luận vì không có bằng chứng, không có cơ sở nào để phát biểu về vấn đề này. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, đến bây giờ chúng tôi chưa có thông tin gì về vấn đề này", ông Chinh nói.
Liên quan đến đề xuất thanh tra các DN sản xuất TACN, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc tăng - giảm giá được vận hành theo cơ chế thị trường, không thể muốn là thanh tra. Đề xuất đưa giá TACN vào mặt hàng bình ổn giá, trong luật không có quy định này.
Về nguyên nhân khiến giá TACN "leo thang" trong thời gian qua, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nguồn cung đứt gẫy do không có đội tàu, thiếu container rỗng, đồng thời Trung Quốc tăng lượng thu gom. Vì vậy, giá nguyên liệu TACN cho thủy sản và chăn nuôi gia tăng 25-30%, tuy nhiên những ngày gần đây đã có xu hướng giảm.
Trước đây, ngô bán với giá 8.500 đồng/kg, nay giảm xuống còn 7.500 đồng/kg; khô đậu tương trước trên 13.000 đồng/kg, nay còn hơn 12.000 đồng/kg… "Chúng ta kỳ vọng giá nguyên liệu sản xuất TACN sẽ giảm và giá bán TACN thành phẩm cũng sẽ giảm tương ứng trong thời gian tới", ông Tiến nói.
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần có một đề án, chiến lược về tự chủ nguồn nguyên liệu TACN. Hàng năm, Việt Nam chi hàng tỷ USD nhập khẩu ngô, đậu tương để sản xuất TACN nhưng lại bán hết sắn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, mặt hàng cám gạo hiện cũng chưa có nghiên cứu bài bản, chuyên sâu nào về việc ứng dụng sản phẩm này làm nguyên liệu TACN, qua đó từng bước hạn chế dần phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Thy Lê