Theo một chuyên gia của Công ty chứng khoán Sacombank (SBS), năm 2020 cũng như 2021 được coi là “kỳ dị” nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán toàn cầu chứ không chỉ riêng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Những khó khăn của nền kinh tế và diễn biến của thị trường chứng khoán không tương đồng với nhau, quá trình này thậm chí đã trải qua thời gian khá dài và vẫn chưa hề có dấu hiệu kết thúc. Trong bối cảnh dịch bệnh ảnh hưởng tới hầu hết các ngành nghề, đầu tư chứng khoán vẫn là kênh đầu tư được lựa chọn để thay thế.
Bán tháo trở lại
Thế nhưng, bất chấp những dự báo đầy lạc quan của các chuyên gia cũng như công ty chứng khoán về mục tiêu lên 1.400 hay 1.500 điểm của chỉ số Vn-Index, khối lượng giao dịch toàn thị trường bất ngờ tăng vọt, trong khi các chỉ số liên tiếp ghi nhận những phiên giảm sâu. Đây là tín hiệu xấu cho thấy bên bán đang muốn thoát "hàng" bằng mọi giá.
Gần đây nhất phải kể đến 2 phiên giao dịch chao đảo của thị trường là ngày 20 và 23/8 khi chỉ số Vn-Index đồng loạt ghi nhận mức giảm sâu nhất trong nhiều tháng trở lại đây nhưng tổng giá trị giao dịch lại đạt mức kỷ lục.
Nếu dịch bệnh kéo dài tác động lên "sức khoẻ" của doanh nghiệp thì đà tăng của thị trường chứng khoán có còn bền vững? |
Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 20/8, chỉ số Vn-Index giảm 45,42 điểm (tương đương 3,3%) còn 1.329,43 điểm, HNX-Index giảm 6,99 điểm (tương đương 2,31%) xuống 338,06 điểm. Nhóm VN30 tác động lớn nhất đến đà giảm của thị trường khi toàn bộ cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ.
Tổng giá trị giao dịch trong phiên giao dịch này của toàn thị trường đạt gần 48.621 tỷ đồng, tương ứng khối lượng hơn 1,7 tỷ đơn vị.
Lực cắt lỗ mạnh của phiên 20/8 đã được tái diễn lại trong phiên giao dịch ngày 23/8 khi chỉ số Vn-Index bốc hơi gần 30,6 điểm (tương đương 2,3%), số lượng cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 2,8 lần số tăng giá. Thế nhưng, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 795 triệu đơn vị, giá trị 25.818,88, tỷ đồng.
Như vậy, chỉ trong hai phiên, Vn-Index bốc hơi tới 76 điểm hay 5,53%. Đây là mức giảm rất sốc, (lần gần nhất là hai phiên 9-12/7 vừa qua với tổng mức giảm là 5,7%) khiến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu bất ngờ rơi vào trạng thái lỗ lớn kéo hành động bán dứt khoát bởi đã không còn kiên nhẫn để nắm giữ.
Nguyên nhân của đà bán tháo này được cho là đến từ việc thắt chặt giãn cách xã hội tại Tp.HCM khi người dân được yêu cầu ai ở đâu ngồi yên ở đó, tuyệt đối không được ra đường ít nhất trong 2 tuần kể từ ngày 23/8.
Trước đó, rất nhiều phân tích đã cho rằng việc thắt chặt càng khiến dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư ngồi một chỗ sẽ có thời gian để giao dịch... nhưng những luận điểm này thực ra chỉ mang tính chủ quan, thị trường đã không thể hiện điều đó. Dòng tiền đúng là có tăng lên nhưng lại do nhà đầu tư có nhu cầu thoát ra để thu tiền mặt về. Chỉ trong hai phiên, tổng lượng vốn bị thu về trên hai sàn lên tới trên 75.500 tỷ đồng.
Khó khăn lộ diện
Lâu nay, thị trường chứng khoán vẫn luôn xoay vần theo quy luật giảm rồi sẽ lại tăng, bán tháo thì lại có bắt đáy, một vài động thái cắt lỗ khó có thể đánh giá được tương lai chung. Thực tế, các chuyên gia vẫn đưa ra những nhận định tươi sáng về tiềm năng tăng trưởng, thậm chí ông Michael Kokalari - chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital còn cho rằng đây mới chỉ đang ở giai đoạn đầu của một quá trình tăng trưởng kéo dài nhiều thập kỷ.
Những nhận định này là hoàn toàn có cơ sở bởi thị trường chứng khoán là kênh đầu tư của kỳ vọng, mà hiện nay dù số lượng nhà đầu tư cá nhân có lớn hơn nhưng cũng mới chỉ chiếm khoảng 3% dân số, một con số quá nhỏ bé so với các thị trường khác.
Thế nhưng, cũng cần phải nhắc lại rằng, những nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán chủ yếu là mua cổ phiếu mà cổ phiếu tăng hay giảm lại phụ thuộc vào “sức khoẻ” của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, nhìn vào các chỉ số kinh tế tháng 8 vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, nếu thị trường có tăng trưởng mạnh trong giai đoạn tới thì mức tăng này có vẻ hơi “ảo”.
Cụ thể, báo cáo của Tổng cục thống kê tháng 8 vừa công bố cho biết trong 8 tháng đầu năm, đã có 85.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020; thâm hụt thương mại gia tăng, nhập siêu 8 tháng lên tới 3,71 tỷ USD; hoạt động du lịch gần như đóng băng hoàn toàn.
Tuy hầu hết các doanh nghiệp bị ngừng hoạt động nói trên là thuộc nhóm nhỏ và vừa nhưng diễn biến này cũng đang cho thấy một thực tế “đen tối” là sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt giãn cách liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam.
Nếu dịch bệnh kéo dài sẽ dẫn đến khả năng duy trì hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, mạng lưới phân phối gặp khó khăn, doanh thu không đủ bù đắp cho chi phí hoạt động thì viễn cảnh trên có thể “hỏi thăm” cả các doanh nghiệp niêm yết.
Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN mới được công bố để lấy ý kiến cũng có thể đang có những tác động khó lường lên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Dù thời gian tái cơ cấu nợ được kéo dài hơn nhưng thời gian kéo dài chỉ có 6 tháng, trong khi đó chính sách trích lập dự phòng bổ sung đối với nợ tái cơ cấu vẫn được giữ nguyên ở thời hạn ba năm, từ 2021-2023.
Đáng lưu ý là với việc các khoản vay phát sinh trước ngày 1/8/2021 cũng đủ điều kiện tái cơ cấu, các khoản nợ tái cơ cấu có thể tăng vọt trong thời gian tới, từ đó sẽ gây áp lực rất lớn lên chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cũng như lợi nhuận của các ngân hàng ngay trong năm nay, càng tác động xấu lên giá cổ phiếu – vốn là nhóm dẫn dắt thị trường.
Do vậy, với những khó khăn hiện hữu, thị trường chứng khoán sẽ dựa vào đâu để kỳ vọng vẫn là câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra.
Minh Khuê