Để mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn cung vaccine Covid-19 đảm bảo chất lượng, mới đây, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì hỗ trợ CTCP Y dược phẩm Vimedimex (Vimedimex, mã: VMD) nhập khẩu vaccine Sputnik V về Việt Nam.
Theo đó, Vimedimex trở thành đối tác chiến lược của Group 42 và Công ty Royal Strategics Partners tại UAE để nhập khẩu, phân phối vaccine Covid-19 tại Việt Nam. Hiện, các bên đang hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nộp Bộ Y tế xin cấp phép nhập khẩu và đơn hàng đầu tiên dự kiến về Việt Nam cuối tháng 8/2021, nếu được phê duyệt và cấp phép kịp thời.
Động lực ngắn hạn
Phản ứng với thông tin tích cực trên, cổ phiếu VMD đã "dậy sóng" với 7 phiên tăng trần liên tiếp, đưa thị giá của mã cổ phiếu này lên đỉnh mới 39.450 đồng/cp từ 24.700 đồng/cp, tương đương gần 60%.
Về thanh khoản, trong tuần giao dịch 9-13/8 khối lượng giao dịch của VMD tăng đột biến từ vài nghìn lên hàng chục nghìn cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Tuy nhiên, trong 2 phiên tăng trần gần đây (16-17/8) thanh khoản của mã này lại quay về mức trung bình chỉ còn hơn 3.000 đơn vị mỗi phiên.
Cổ phiếu VMD tăng thẳng đứng trong những phiên gần đây. |
Trước đó, hồi đầu tháng 6, VMD cũng đã từng ghi nhận chuỗi 5 phiên liên tiếp tăng kịch trần khi Vimedimex nằm trong danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu vắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản vắc xin được Bộ Y Tế công bố.
Dược phẩm Vimedimex bắt đầu đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán vào tháng 9/2010 và từng được giao dịch rất sôi động. Tuy nhiên, thời gian sau, cổ phiếu này ít được chú ý khi thanh khoản rơi về mức thấp. Tình trạng này kéo dài khá lâu cho đến khi có những thông tin về vắc xin.
Ngoài VMD những mã cổ phiếu “tí hon” ngành dược khác như CDP, DVN, hay YTC… cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt cùng với thanh khoản cải thiện đáng kể nhờ nằm trong danh sách các doanh nghiệp được nhập khẩu vắc xin.
Nhìn vào thực tế này có thể thấy, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp thì vắc xin là một vấn đề “nóng” đối với những cổ phiếu ngành dược, đặc biệt là những cổ phiếu vốn hoá nhỏ.
Được biết, dược phẩm Vimedimex tiền thân là Công ty Xuất nhập khẩu Y tế được thành lập năm 1984 và cổ phần hoá vào năm 2006 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Đến nay công ty có vốn điều lệ hơn 154 tỷ đồng, nhưng vẫn tương đối nhỏ trong ngành y tế.
Không chỉ giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán mà trong thời gian qua, Vimedimex cũng gây ấn tượng với giới đầu tư khi là doanh nghiệp dược có kết quả kinh doanh ổn định, tỷ lệ cổ tức cao.
Theo đó, trong nửa đầu năm 2021, Vimedimex đạt doanh thu 7.604 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 19 tỷ đồng. So sánh với kế hoạch đề ra, công ty đã hoàn thành 51% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Hồi cuối tháng 6/2021, công ty cũng tiến hành chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền với tỷ lệ 20%. Đây là năm thứ 9 Vimedimex duy trì mức trả cổ tức này.
Doanh nghiệp nhiều tai tiếng
Lâu nay, câu chuyện một cổ phiếu nào đó tăng trưởng mạnh nhờ có thông tin tích cực hỗ trợ không phải hiếm nhưng liệu nó có đáng để các nhà đầu tư xuống tiền hay không lại là một câu chuyện khác.
Nếu chỉ xét trên khía cạnh kinh doanh các mặt hàng y tế, dược phẩm thì VMD cùng những “đồng nghiệp” khác luôn được xem là nơi trú ẩn an toàn bởi tiềm năng dài hạn của ngành dược chứ không riêng gì một thông tin hỗ trợ nào đó.
Tuy nhiên, những năm gần đây, cái tên Vimedimex được biết đến nhiều thông qua việc thực hiện hàng loạt dự án bất động sản ở Hà Nội mang thương hiệu Vimefulland. Doanh nghiệp này đã thâu tóm nhiều khu "đất vàng" tại Hà Nội một cách ngoạn mục.
Một số dự án điển hình của Vimefulland như shophouse Belleville Hà Nội, The Eden Rose, Bel Air Hà Nội, Palatium Mari Resort tại Đà Nẵng, Annecy Garden… Thế nhưng, đa số các dự án này đều vướng phải nhiều lùm xùm ngay từ khi bắt đầu xây dựng đến khi bàn giao.
Có thể kể đến sự việc hồi cuối năm 2017, dự án shophouse Belleville B4 Nam Trung Yên có dấu hiệu biến tướng thành mô hình nhà ở và bán ra với tiểu xảo chênh lệch giá nhằm trốn thuế. Hay như gần đây nhất, dự án án chung cư Iris Garden- Vimefulland cũng bị cư dân tố lừa dối khách hàng và người mua nhà.
Một sự việc khác cũng “nổi đình nổi đám” thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận là việc các nhà đầu tư căng băng rôn, khẩu hiệu tại toà nhà Citilight Tower (số 6 Võ Thị Sáu, quận 1, TP.HCM) tố cáo Vimefulland chiếm đoạt tài sản.
Theo lời của các nhà đầu tư, bức xúc bắt nguồn từ việc Vimedimex bất ngờ đơn phương gửi thông báo ngưng trả lợi tức cho các nhà đầu tư vào tháng 12/2019, với lý do xem xét lại những bất cập của hợp đồng góp vốn đã ký từ năm 2004.
Đặc biệt, Vimedimex còn gây chú ý dư luận khi thông qua CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng làm Dự án tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 trên địa bàn quận Hoàng Mai và Hai Bà Trưng dài 1,6km theo hình thức BT, đổi lấy 5 Dự án đối ứng (54,5 ha) là những vị trí đắc địa của Thủ đô.
Từ những vấn đề này, một câu hỏi được đặt ra là nhà đầu tư có nên "xuống tiền" vào VMD trong thời điểm hiện tại? Lâu nay, những người tham gia thị trường chứng khoán đều cho rằng, đây là kênh đầu tư vào kỳ vọng. Vậy khi câu chuyện vaccine lắng xuống, VMD còn gì để người ta kỳ vọng ?
Tính đến ngày 30/06/2021, Vimedimex chỉ có 5 cổ đông lớn đang sở hữu 75,3% vốn điều lệ của công ty. CTCP Dược Phẩm Vimedimex 2 và Tổng Công ty Dược Việt Nam là hai tổ chức sở hữu lần lượt 45,34% và 10,23% vốn. Ba cổ đông cá nhân là ông Trần Kiên Cường, ông Lê Xuân Tùng và bà Trần Thị Đoan Trang sở hữu lần lượt 7,12%, 7,39% và 5,23%. Ông Lê Xuân Tùng là con trai là Nguyễn Thị Loan, Chủ tịch HĐQT của Y Dược phẩm Vimedimex. Bà Trần Thị Đoan Trang từ nhiệm thành viên hội đồng quản trị của công ty từ ngày 13/2/2020.Bà Nguyễn Thị Loan không chỉ giữ vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực dược phẩm, thiết bị y tế, mà còn từng nắm giữ quyền lực của loạt công ty trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Loan tham gia vào HĐQT của Ngân hàng TPCP Việt Á (Mã: VAB) và đảm nhiệm chức Phó Chủ tịch HĐQT. Chủ tịch HĐQT của hai đơn vị là Chứng khoán Hòa Bình (Mã: HBS) và Công ty Cổ phần Quản lý quỹ Quốc tế. Chứng khoán Hòa Bình hiện là cổ đông lớn của Quản lý quỹ Quốc tế.Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex của bà Nguyễn Thị Loan cũng đang sở hữu thương hiệu bất động sản Vimefulland với các dự án như Iris Garden, Eden Rose, The Emerald... |
Minh Khuê